Miền núi
Thừa Thiên Huế có 3 tộc ít người đang sinh sống là người Tà Ôi, Cơ Tu và Vân
Kiều.
Khó có thể xác định được tộc người nào là cư dân cư trú lâu đời nhất trên mãnh
đất nầy, nhưng căn cứ số lượng dân cư thì đông và tập trung nhất là tộc người Tà
Ôi. Họ là cư dân chủ thể của huyện A Lưới, còn tộc người Cơ Tu, thì vẫn tập
trung ở các huyện Hiên, Giằng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và các tộc Vân Kiều, thì
chủ yếu là ở huyện Hướng Hoá tỉnh Quảng Trị. Trên địa phận Thừa Thiên Huế, việc
có mặt 2 tộc người này chẳng qua là sự nối dài địa vực cư trú, cũng như là sự
nối dài địa vực của người Tà Ôi đến Nam đường 9 huyện Hướng Hoá, Quảng Trị vậy.
Tất nhiên
trong lĩnh vực văn hoá, thì biên giới, địa giới hành chính tỉnh, huyện có cùng
một địa hình như ở đây ít khi tạo thành đường biên văn hoá, đường biên tộc người.
Thậm chí, trong một cái nhìn rộng hơn, GS Trần Quốc Vượng còn nhận xét “Trường
Sơn Đông và Trường Sơn Tây, trước đây và hiện nay - là một vùng văn hoá sinh
thái nhân văn”. Vì vậy, khảo sát văn hoá nghệ thuật của một tộc người ở Thừa
Thiên Huế - nơi có cả ba tộc người cùng nhóm ngôn ngữ đang sinh sống dưới hình
thức cận cư và kể cả xen cư, thì
tốt nhất là tiếp cận đồng bộ với cả ba, trước khi “lọc” ra những nét dị biệt của
mỗi tộc người. Chúng tôi cũng còn biết văn hoá nghệ thuật của họ có rất nhiều
điểm tương đồng khó phân biệt - nhất là giữa người Tà Ôi và Cơ Tu. Tuy
nhiên muốn khảo sát một cách toàn diện của ba tộc người thì chí ít cũng phải mở
rộng địa bàn điền dã từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Quảng Trị.
Cũng như dân tộc ít người nói tiếng Môn-Khơme
sinh sống ở Trường Sơn - Tây Nguyên, âm nhạc của người Tà Ôi hoàn toàn nặng về
tính chất dân gian mang đầy đủ các đặc tố của văn nghệ dân gian như tính ứng tác
tại chỗ trong diễn xướng, tính dị bản khuyết danh, truyền khẩu và thường gắn bó
với những loại hình nghệ thuật khác, nhất là múa; chủ yếu tồn tại dưới dạng văn
hoá phi vật thể, chỉ được lưu truyền thông qua trình diễn.
Âm nhạc là một bộ phận thiết yếu trong đời sống
văn hoá của người Tà Ôi . Ngoài chức năng giải trí gắn bó với những sinh hoạt
hằng ngày như khi lên nương rẫy, trai gái tìm hiểu, giao duyên trong các buổi
nông nhàn...thì trong các cuộc tế lễ Thần linh, tang ma, đám cưới...dù lớn hay
nhỏ, dù trong phạm vi gia đình hay làng bản, đều không thể thiếu âm nhạc. Nói
một cách khác, âm nhạc được bộc lộ đầy đủ trong các lễ hội truyền thống của cộng
đồng tộc người, âm nhạc đối với họ là nhịp cầu nối cá thể lại với cộng đồng, nối
cộng đồng này với cộng đồng khác, nối con người với tất cả thần linh trong trời
đất, cũng có nghĩa là nối con người với thiên nhiên: cây cỏ, sông núi, trời đất,
núi rừng trong ý niệm vạn vật hữu linh của tín ngưỡng sơ khai.
Qua khảo sát tiếp cận ban đầu với âm nhạc của
người Tà Ôi , qua các đợt điền dã, trong các hội lễ như lễ cầu mùa (Azakõnh), lễ
cưới và kể cả các cuộc liên hoan ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc
miền núi Thừa Thiên Huế do ngành Văn hoá Thông tin tổ chức, chúng tôi chưa thể
phân loại một cánh chi tiết, rạch ròi dân ca dân nhạc của họ, trên cơ sở tiêu
chí phân loại âm nhạc học. Vì rằng âm nhạc của người Tà Ôi phong phú về đề tài
nội dung song về mặt làn điệu, bài bản âm nhạc lại kém hơn nhiều so với tộc
người Kinh. Do điều kiện lịch sử, sự thay đổi hình thái kinh tế mà hiện nay một
số thể loại mai một đi, kể cả việc một số thể loại này thì phát triển phổ biến
hơn hẳn, vì không gian môi trường diễn xướng ít nhiều còn tồn tại, một số thể
loại khác thì kém phát triển và ngày càng bị bó hẹp lại bởi phạm vi không gian
diễn xướng đã mất dần trong đời sống hiện tại. Ví dụ: Các điệu múa hát của
thầy bói(Kuru), người có khả năng nói chuyện với thần linh, truyền thông
những ý nguyện của mọi người đến với thần linh, và ngược lại (như vai trò của
thầy phù thuỷ, thầy mo ở các tộc người khác), thể loại hát tang ma v.v...chưa kể
đến sự giao thoa tiếp biến, thâm nhập lẫn nhau giữa các tộc người khác sống xen
cư, cộng cư như Vân Kiều, Cơ Tu và xa hơn là Chàm, Kinh, kể cả phương Tây. Đó là
trường hợp một bài hát rất được ưa chuộng, phổ biến đã được đồng bào đặt lời ca
ca bằng ngôn ngữ của dân tộc mình để hát, và tự nhân dân ca của mình:
“Prnô khoi he prtả
Moi mã moi mường
He chồô công tác
A lang lư he ơi dầu bay
A chai công tác khoi bôn
trhôm”...
dịch nghĩa
“Ngày mai chúng ta chia tay
Một người một ngã
Chúng ta về nơi công tác
bạn bè ơi nhớ quá
Anh về nơi công tác biết lúc
nào gặp nhau”...
Lại là một điệu hát của Scotland,
cũng rất phổ biến ở ngưòi kinh, là bài Tạm biệt.
Do đặc tính về địa giới mà văn
hoá nghệ thuật giữa ba tộc ít người có mặt ở Thừa Thiên Huế là Tà Ôi, Cơ Tu,
Vân Kiều lại rất khó phân định, nhất là Tà ôih và Cơ Tu bởi tên gọi và làn điệu
của một số bài dân ca như Chachấp, Calơi, Babói... thì đều cơ bản là giống nhau.
Người Tà Ôi thông qua người Cơ Tu đã thâm nhập vào làn điệu dân ca dân nhạc của
mình âm hưởng của dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng, của bài chòi liên khu 5, và âm
hưởng của dân ca Chàm, trong điệu hát Nhanhim, chưa kể đến một số dị bản
của điệu hát Calơi cũng đã chuyển qua sắc thái dân ca Chàm...
Tuy nhiên, một tính chất rất dễ nhận thấy trong
âm nhạc dân gian của đa số các ít tộc người ở Thừa Thiên Huế là thể loại nhạc có
lời kém phát triển hơn so với nhạc cụ. Các làn điệu âm nhạc thường dùng để hát
cho rất nhiều lời ca có nội dung khác nhau. Đây là kiểu dân ca một làn điệu
giống như thể loại hát trống quân của người kinh ở đồng bằng Bắc bộ.
Việc phân loại trong dân ca người Tà ôih khó
khăn không những vì làn điệu ít, mà vì các làn điệu phổ biến ấy lại được sử dụng
rất rộng rãi, có mặt trong hầu hết phạm vi diễn xướng các nghi lễ, phong tục và
sinh hoạt lao động vui chơi giải trí. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nghe được
một làn điệu nào có nhịp điệu gắn với môi trường lao động, gắn với các thao tác
cụ thể của từng công việc như hát chèo đò, hò lĩa trâu, hò nện, hò
giã gạo... ở
người kinh. Vì thế chúng tôi không phân loại dân ca như tiêu chí phân loại quen
dùng như: Thể hát lao động, nghi lễ tín ngưỡng, phong tục, giao duyên...mà chỉ
mô tả giới thiệu chúng với các môi trường không gian diễn xướng khác nhau mà
chúng đã bộc lộ ra qua các hội lễ truyền thống. Trên quan điểm đó chúng tôi chỉ
có thể tạm phân chia thành 2 thể loại lớn là Dân ca và Dân nhạc.
Tham khảo:
Vĩnh Phúc - Âm nhạc và múa của người Tà Ôi-Pa Ko, Cơ Tu
|