Các vùng Văn hóa
   Vùng miền - Thể loại

* Dân ca Đồng bằng Bắc Bộ

* Hát Xoan và các loại khác

* Hát Quan họ

* Dân ca miền núi phía Bắc

* Dân ca các dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên

* Dân ca Bắc Trung Bộ

* Dân ca Nam Trung Bộ

* Dân ca Nam Bộ

* Ca nhạc Tài tử

* Hò sông Mã

* Ví Dặm Dân ca Nghệ Tĩnh

* Dân ca Chăm

* Hát Sắc bùa Quảng Ngãi

*  Ca Trù - Hát Ả Đào

Tháng Mười Một 22, 2020

CA TRÙ

Ca Trù là bộ môn nghệ thuật mang tính hàn lâm, được nuôi dưỡng giữ gìn trong dân gian suốt 10 thế kỷ qua. Nhiều làng quê ở các tỉnh, thành thuộc đồng bằng Bắc bộ như Hà Nội (Phường Thái Hà), Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... là những cái nôi của các làn điệu ca trù. Làng Lỗ Khê (Đông Anh - Hà Nội) dân cả làng làm nghề hát ca trù, kể cả khu vực Bắc miền Trung là làng Cổ Đạm - Hà Tỉnh.

Thưởng thức ca trù là thưởng thức thơ và nhạc. Trong lối hát ca trù, cả người hát, người đàn, người thưởng thức đều tham gia cuộc hát. Họ phối hợp ăn ý với nhau và cũng làm cho nhạc và thơ hoà quyện vào nhau, đưa cuộc hát đạt đến sự hoàn hảo, tao nhã, trang trọng

 

Ca trù chỉ một lối hát cổ truyền của người Việt. Tên gọi ca trù cũng đã được tài liệu cổ ghi nhận. Trên các tài liệu Hán Nôm chữ “trù” trong “ca trù” đều dùng chữ “trù”. Theo đó Trù là thẻ làm bằng tre, trên thẻ có ghi số tiền (hoặc quy định ngầm với nhau là mỗi thẻ tương ứng với một khoản tiền), dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn thay cho việc thưởng bằng tiền mặt; cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép hoặc giáo phường. Người quyết định việc thưởng này chính là vị quan viên (khách nghe hát), sử dụng trống chầu (gọi là cầm chầu). Đó là nguồn gốc của tên gọi ca trù; cũng là thuật ngữ sử dụng trong chuyên khảo này. Tuy nhiên ca trù, với ý nghĩa là một lối hát có dùng thẻ để thưởng như đã nói ở trên thì chỉ có ở hát ca trù ở đình đền, tức là hát thờ.

Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt (không chỉ về cấu tạo mà còn về cách thức diễn tấu) là đàn đáy, phách và trống chầu. Về mặt văn học ca trù làm nảy sinh một thể loại văn học độc đáo là hát nói. Đây là một bộ môn nghệ thuật ca nhạc “thính phòng” được hình thành trên nền tảng âm nhạc dân gian Bắc bộ, người nghe cũng tham gia vào cuộc hát bằng việc cầm chầu. Ca trù còn có những cái tên khác như: hát cửa đình, hát nhà trò (hát ở đình, đền, miếu), hát cửa quyền (trong cung phủ), hát nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý), hát ả đào, hát cô đầu (hát ở các ca quán)...

Ca trù gắn liền với nghi thức tế thần ở các đình làng, ngoài những điệu hát còn có các nghi lễ với vũ điệu và cả các cách thi tuyển tại đình làng trong dân gian nên các lề lối biểu diễn ca trù được gọi là thể cách. Thể cách ca trù vừa bao gồm làn điệu, vừa bao gồm các hình thức diễn xướng khác như múa, biểu diễn kỹ thuật nghề (đàn, trống). Trong 49 tài liệu Hán Nôm có liên quan đến ca trù được khảo sát trong có 8 bản mang tên Ca trù thể cách. Các học giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề trong sách Việt Nam ca trù biên khảo cũng gọi là các thể ca trù.

Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định ca trù là một bộ môn nghệ thuât lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng ca nhạc của người Việt Nam. Ca trù gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Do vậy nghiên cứu ca trù cũng là góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị truyền thống trong văn hóa Việt Nam.

Ca trù là một DI SẢN VĂN HÓA ĐẶC SẮC của Việt Nam. Đặc sắc ở sự phong phú làn điệu, thể cách, cả không gian, thời gian biểu diễn và phương thức thưởng thức; đặc sắc còn vì từ cội nguồn nó gắn bó mật thiết với lễ nghi, phong tục, với sinh hoạt cộng đồng. Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà…Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân (nhà thơ, nhà báo, họa sĩ) với Ả đào - mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình.

Bức chạm nhạc công ca trù đền Lê Khôi (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Thế kỷ XVIII.. Ảnh Đặng Hoành Loan

Sau năm 1945, trong một thời gian khá dài sinh hoạt ca trù vốn tao nhã và sang trọng trước đây đã bị hiểu lầm và đánh đồng với các sinh hoạt thiếu lành mạnh ở một số ca quán đô thị khiến cho xã hội chối bỏ và quyết loại sinh hoạt ca trù ra khỏi đời sống văn hóa. Ca trù đã không được nuôi dưỡng và phát triển một cách tự nhiên, không được tôn vinh đúng mức, phải chịu tồn tại thiếu sinh khí và tàn lụi. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải cố quên đi nghiệp đàn hát và giấu đi lai lịch của mình. Khoảng chục năm trở lại đây dư luận xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí đã từng lên tiếng về nguy cơ thất truyền của ca trù. Nguy cơ mai một dần và vĩnh viễn mất đi ca trù là một nguy cơ có thực, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn ca trù như một vốn quý văn hóa của dân tộc. Do vậy việc cung cấp những hiểu biết sâu hơn và có căn cứ về một số vấn đề của ca trù, không những góp phần đáp ứng yêu cầu cấp thiết ấy mà còn góp phần vào việc phục hồi và chấn hưng nghệ thuật và sinh hoạt ca trù.

Theo Viện âm nhạc VN và vietsciences.org

Tham khảo: Vĩnh Phúc, Hát Ả Đào qua báo chí hậu bán TK XX

 

 Giới thiệu Ca Trù Thái Hà  
 Hát Gửi thư:Thư gửi người không quen  
 Ả phiền 36 giọng  
 Đào hồng đào Tuyết  
 Hát Xẩm huê tình  
 Người đẹp chỉ gặp một lần  
 Thét nhạc  
 Tì bà hành - Thúy Hòa  
 Hát nói Dẫu đẹp hồ Gươm  
 Hát Giai - Hát ru  
 Dàn nhạc ca Trù  
 Thét nhạc - Nguyễn Thị Chúc    
 Gửi thư - Nguyễn Thị Chúc    
 Bắc Phản - Nguyễn Thị Mùi    
 Chừ khi - Nguyễn Thúy Hòa    
 Ngâm thơ - Nguyễn Thúy Hòa    
 Thiên Thai - Phan Thị Mơn    
 Ả phiền 36 giọng - Nguyễn Thị Thu Hoài    
 Tì Bà Hành - Quách Thị Hồ    
 Đời đáng chán - Bạch Vân    
       
 

   
  CA HUẾ    
  HÁT XẨM    
     
 Dân ca Dân nhạc Dân vũ các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế
   

NEWS

TIN NHANH - TIN MỚI
Đầu trang

 

 

©  âm nhạc cổ truyền Việt Nam

 - Email: vinphuc@gmail.com -  Design by vinhphucnet

Free Web Hosting