|
Dàn nhạc sân khấu Rôbăm của người Khơme Nam Bộ chỉ có hai họ nhạc cụ là
nhạc cụ hơi và nhạc cụ gõ. Nhạc cụ hơi có kèn
Scơlai hay còn gọi là kèn
Payo hoặc Pâyê; nhạc cụ gõ có trống
Scor Chớt, Cuông (cồng), Cráp (thanh
la). Đây là những nhạc cụ có cường độ âm thanh lớn, có kịch tính cao,
rất phù hợp với lối diễn của sân khấu Rôbăm - một sân khấu diễn tích
truyện bằng múa, hát, nhân vật ăn mặc phục trang hết sức lộng lẫy.
Hầu hết các vở diễn đều dựa vào các truyện dân gian hoặc sử thi ấn độ.
Các nhân vật trong chuyện bao giờ cũng được chia thành hai tuyến rõ rệt
là tuyến nhân vật chính nghĩa và tuyến nhân vật phi nghĩa. Tuyến nhân
vật chính nghĩa là những ông Hoàng bà Chúa khi diễn không đeo mặt nạ.
Tuyến nhân vật phi nghĩa là ma quỷ độc ác khi diễn đeo mặt nạ. Hai tuyễn
nhân vật luôn mâu thuẫn nhau, xung đột nhau gây ra những tình huống kịch
căng thẳng được biểu diễn chủ yếu bằng nghệ thuật múa và hát. Và cũng
chính vì vậy sân khấu này phải dùng tới những nhạc cụ có đủ khả năng
tham gia vào các xung đột kịch - nhạc cụ hơi và nhạc cụ gõ như đã trình
bày ở trên. |
|
DÀN
NHẠC CHÈO |
|
Chèo là loại hình sân
khấu dân gian của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Năm thành tố quan
trọng cấu tạo thành Chèo gồm: Trò chèo, hát chèo, nhạc chèo, múa chèo và
diễn chèo. |
|
Dàn nhạc chèo đóng vai trò quan trọng cho biểu diễn và ca hát của diễn
viên. Vì vậy thành phần các nhạc cụ dàn nhạc tương đối phong phú. Dàn
nhạc chèo gồm có các nhạc cụ gõ và các nhạc cụ ti, trúc như sau: Nhạc gõ
có trống đế, trống cơm, trống ban, trống bộc, trống cái, mõ, thanh la,
chuông, tiu, cảnh, não bạt, sinh tiền. Nhạc ti trúc có:
Nhị, hồ, nguyệt,
tam, bầu, tam thập lục, tiêu, sáo. Tuỳ vào các tình huống của câu chuyện
kịch mà người ta sử dụng nhạc cụ khác nhau cho phù hợp. |
|
DÀN NHẠC
HẦU BÓNG (HẦU VĂN) |
|
Tín ngưỡng Tứ Phủ là
tín ngưỡng bản địa của người Việt. Tín ngưỡng này có rất nhiều nghi lễ,
lễ hội phong phú, đa dạng đến phức tạp, nhưng điển hình trong các hình
thức nghi lễ đó là nghi lễ Hầu Bóng.
Hầu bóng là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác người
làm Đồng. Khi các vị Thánh đã nhập đồng thì Đồng chính là Thánh hiển
linh để phán truyền, ban phúc cho các tín dân. Để phục vụ cho nghi lễ
quan trọng này người ta đã sáng tạo ra một hình thức ca nhạc gọi là Hát
Văn, cùng một dàn nhạc đệm cho Hát Văn và phục vụ quá trình nhập đồng
hiển thánh. Dàn nhạc ấy gọi là dàn nhạc Hầu Bóng. Dàn nhạc hầu bóng gồm
có 1 đàn nguyệt, 1 đàn nhị, 1 sáo, 1 trống lớn, 1 trống nhỏ, 1 cảnh đôi,
1 phách. Tùy từng địa phương, tùy hoàn cảnh hành lễ mà người ta có thể
thêm bớt nhạc cụ này hoặc nhạc cụ khác, nhưng người ta không thể bớt đi
đàn nguyệt, trống nhỏ, cảnh đôi vì đây là những nhạc cụ nòng cốt, nhạc
cụ tính cách của dàn nhạc Hầu Bóng.
Ở Huế thường gọi là
Hầu văn. Cứ đến đầu tháng Ba âm lịch là đông đảo nhân dân theo tín
ngưỡng Thiên Tiên thánh giáo ở nhiều địa phương như: thành phố Hồ Chí
Minh, Nha Trang, Đà Nẵng và đông nhất là thành phố Huế, lại tề tựu tại
điện Hòn Chén để tổ chức lễ hội hầu đồng Thánh Mẫu Thiên Yana.
Điện Hòn Chén là nơi ngày xưa người Chăm thờ nữ thần Po Nagar, sau đó
người Việt theo Thiên Tiên thánh giáo tiếp tục thờ bà dưới danh xưng
Thánh Mẫu Thiên Yana. Từ năm 1954, Liễu Hạnh công chúa, tức là Vân Cát
Thánh Mẫu, gốc gác từ miền Bắc, cũng được đưa vào thờ ở đây. Theo truyền
thuyết địa phương, một trong những nơi Liễu Hạnh công chúa đã xuất hiện
giúp đời là núi Ngọc Trản, thuộc làng Hải Cát ở tỉnh Thừa Thiên. Dân
làng dựng lên một ngôi đền tại hòn núi này để thờ bà. |
|
Điện Hòn Chén trong ngày
hội hầu đồng Thánh Mẫu |
|
|
DÀN NHẠC SẮC
BÙA |
|
Thuở xưa vào đêm 30 tết
(đêm trừ tịch) đêm tối trời nhất trong năm, nhà nhà đóng kín cửa, vẽ vôi
đầy sân để xua đuổi tà ma. Vào giờ ngọ đêm ấy phường bùa thổi kèn, gõ
trống đi đến từng nhà xin vào hát múa đuổi tà ma, trẩn bùa giữ yên thổ
trạch. Sáng mùng một nhà nhà thảnh thơi đón xuân, đón lại phường bùa vào
ca hát chúc phúc, chúc xuân.
Phường bùa là một tổ chức nghệ thuật bao gồm một ông trưởng phường và
các diễn viên múa, nhạc. Tùy vào từng địa phương, vào khả năng tổ chức
nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật của ông trưởng phường mà số diễn viên
có thể có nhiều hay ít.
Để phục vụ cho cả quá trình biểu diễn nghệ thuật, phường bùa có một tổ
chức dàn nhạc gồm 1 kèn dăm, 1 đàn nhị và một dàn nhạc cụ gõ gồm
trống
cơm, trống con, sênh, sinh tiền là những nhạc cụ gọn nhẹ dễ dàng khi vận
chuyển. Dàn nhạc làm nhiệm vụ tấu nhạc khi đi đường, đệm cho ông trưởng
phường hát chúc phúc, đệm cho các điệu múa như múa bông, múa đèn, múa bỏ
bộ, múa sênh tiền. |
|
DÀN NHẠC CHĂM
(NINH THUẬN) |
|
|
Kèn
Xaranai, đàn vĩ
kéo Ka Nhi, trống vỗ Paranưng, trống gõ vỗ
Ghì nằng là những nhạc cụ
dùng rất phổ biến ở người Chăm Ninh Thuận. Những nhạc cụ này có lúc dùng
đơn lẻ đệm cho hát lễ, hát sinh hoạt; có lúc kết hợp các nhạc cụ thành
một dàn nhạc dùng trong các cuộc hành lễ lớn diễn ra hàng năm. Vào thời
điểm ấy dàn nhạc đã bộc lộ rất rõ chức năng quan trọng của nó trong lễ
hội như tham gia vào quá trình hành lễ, tham gia đệm cho hát, múa nghi
thức và tham gia vào các trò vui trong hội.
Nhạc cụ Chăm, dàn nhạc Chăm là dàn nhạc và nhạc cụ có tính chuyên nghiệp
cao, muốn chơi được những nhạc cụ ấy, người ta phải mất nhiều năm khổ
luyện và khi đã được chấp nhận là người chơi thành thạo, thì họ được
mang tên gọi riêng như ông Dú (người thổi Kèn), ông Mưtuồn (người đánh
trống Paranưng), ông Toong người đánh trống Ghì nằng
|
|
DÀN CỒNG TÂY
NGUYÊN |
|
Dàn cồng
dân tộc Giẻ Triêng |
|
Dàn cồng
dân tộc Êđê |
|
1. Dàn “Chinh Soang”
[1]: phổ biến ở các dân tộc Bahnar, Giơ rai, rơ ngao, Rơ mǎm, Hà lǎng,
Sơ dra, Mơ nâm[2]... ở mỗi dân tộc dàn cồng còn có những tên gọi riêng.
Thí dụ người Giơ rai gọi là chinh Arap. Người Bahnar gọi là chinh chêng,
ching Honh. Người Hà Lăng gọi là Ktum goong chinh... Cơ cấu thông thường
của dàn gồm 5 cồng, 8 chiêng, 1 trống cái, 1 vài cặp chũm choẹ nhỏ. Diễn
tấu cùng dàn cồng còn có một dàn múa nữ và 3 hoặc 4 diễn viên hề. Số
lượng cồng, chiêng có thể thay đổi nhưng tối thiểu phải có 3 cồng, 5
chiêng; tối đa là 7 cồng, 8 chiêng. Số diễn viên múa không cố định, có
thể từ 10 đến 30 hoặc 40 người. Cồng lớn nhất đường kính khoảng 65 cm;
đường kính chiêng nhỏ nhất khoảng 20 cm. Cao độ âm thanh của các cồng là:
Rề - La - Rê - La - Rế1
Cao độ âm thanh của nhóm chiêng là:
Đô1 - Rê1 - Fa1 - Sol1 - La1 - Đô2 - Rê2 - Mi2.
Tương quan cao độ của các cồng, chiêng trong dàn luôn luôn ổn định. Sự
khác nhau giữa các dàn cồng loại này có chăng cũng chỉ là sự di chuyển
vị trí cao độ của từng chiếc trong dàn cùng lên hoặc cùng xuống một
quãng nhất định mà thôi.
Người diễn tấu cồng, chiêng bao giờ cũng là con trai. Họ có thể ở các
lứa tuổi khác nhau. Khi chơi mỗi người một chiếc. Tay trái xách chiêng,
cồng, quay mặt cồng chiêng hướng về bên phải, thành cồng hướng vào bụng,
tay phải cầm dùi. Các diễn viên múa là gái chưa chồng, còn các vai hề do
đàn ông đóng. Dàn nhạc bố trí theo đội hình hàng một, người nọ cách
người kia khoảng một mét đi thẳng, đi vòng tròn hoặc đứng yên tuỳ theo
nghi thức của môi trường sử dụng. Trống bao giờ cũng dẫn đầu, tiếp đến
cồng, chiêng, sau cồng chiêng đến chũm choẹ, cuối cùng đến dàn múa. Hề
đứng ở các vị trí tự do.
Âm nhạc của dàn “chinh soang” trữ tình, uyển chuyển.
Dàn “ching soang” chỉ được sử dụng trong các lễ hội cổ truyền. như lễ ăn
cơm mới, lễ dựng nhà, lễ cưới, lễ tang, lễ bỏ mả... Trong lễ hội đâm
trâu phần nghi thức, dàn chiêng không kết hợp với đội múa nữ (soang) mà
kết hợp với điệu múa khiên của các nam chiến binh. Âm nhạc cồng lúc này
thôi thúc, dồn dập, hừng hực, tốc độ nhanh và cường độ lớn.
2. Dàn “Guông”: Phổ
biến ở vùng người Sêd’ra (huyện Sa thầy tỉnh Kontum) và M’nâm (huyện Kon
plông tỉnh Kontum) Đây là hòa tấu nhạc gồm 4 cồng núm (đường kính chiếc
to nhất khoảng 50 cm, chiếc nhỏ nhất khoảng 20 cm), 1 đàn “Khinh Khung”,
1 kèn “Kvôh”, 1 trống cái và 1 người hát.
Đàn “Khi khung” là loại nhạc cụ tự thân vang, chi gõ, làm bằng nứa, gồm
2 ống: ống dài khoảng 50 cm, ống ngắn dài khoảng 30 cm. Mỗi ống đều có
một đầu rỗng, một đầu kín. “Khi khung” được làm theo nguyên tắc của đàn
T’rưng. Tức là người ta gọt vạt từ điểm giữa của ống cho thuôn hẳn nhọn
dần xuống phía đầu rỗng. Hai ống nối với nhau bằng dây mây. Hai ống “Khi
khung” cho hai âm cách nhau một quãng 4 (La - Rê). Khi chơi tay trái cầm
đàn, tay phải cầm dùi gõ đều đặn vào 2 ống.
Kèn “Kvôh” là loại sáo ngắn, thổi ngang, làm bằng 1 ống nứa rỗng hai đầu.
Chiều dài ống khoảng 20 cm, đường kính ống khoảng 2,5 cm. ở giữa ống
khoét 1 lỗ hình vuông gắn lưỡi gà (một miếng kim loại mỏng) để thổi. Khi
thổi dùng 2 tay bịt 2 đầu ống và điều khiển đóng, mở sao cho có được
những âm thanh khác nhau theo ý muốn.
Dàn “Guông” chỉ chơi trong nhà. Tất cả cồng và trống đều được treo lơ
lửng ở gian phòng khách. Nhạc công chơi cồng thường là phụ nữ và bao giờ
cũng diễn tấu ở tư thế ngồi gõ cồng. Mỗi người đảm nhận 1 chiếc. Cao độ
âm thanh của các cồng trong dàn “Guông” định âm theo tương quan quãng 5
- quãng 4 - quãng 8 (Rê - La - Rê1 - Rê2) hoặc tương quan quãng 5 -
quãng 4 - quãng 5 ( Rê - La - Rê1 - La1). Đôi khi còn có dàn “Guông” có
cao độ các cồng quan hệ theo tương quan quãng 4 - quãng 2 - quãng 4 (Rê
- Sol - La - Rê1).
Trong dàn Guông âm thanh của cồng đĩnh đạc, trầm ấm. Âm thanh cồng cùng
với “Khi khung” tạo nên một bè nền trì tục đệm cho người hát và giai
điệu của kèn “Kvôh”.
Dàn Guông được diễn tấu trong những ngày lễ cổ truyền như: Lễ trỉa lúa
thiêng, lễ ăn cơm mới, lễ đâm trâu tạ thần cầu an, lễ dựng nhà, lễ cưới...
Dàn Guông không diễn tấu trong lễ tang.
3. Dàn “Chinh goong” của dân tộc Hơrê (huyện Sơn trà tỉnh Nghiã bình). Dàn gồm 3 chiếc chiêng
bằng và 1 chiếc trống nhỏ hình trụ. 3 chiếc chiêng này có tên gọi là
Vơng chinh, Tôm chinh, Tôôk chinh và kích thước của chúng xấp xỉ băng
nhau với đường kính khoảng từ 37 đến 39 cm. Cao độ âm thanh của “Chinh
goong” Hơrê không định âm. Tuy vậy “Vơng chinh” có có cao độ thấp hơn
“Tôôk chinh”, nhưng tương tương quan này cụ thể bao nhiêu thì người Hơrê
không đặt ra. “Tôm chinh” có âm phát ra nghe ở gần như một tiếng động
khô khốc, cao độ không rõ ràng và là âm cao nhất trong dàn. Khi diễn tấu
mọi người đều ngồi và không dùng dùi để chơi cồng. Cách trình diễn
“chinh goong” Hơrê rất độc đáo. Nhạc công đều là đàn ông, họ chơi cồng
bằng tay và trên mỗi chiếc chiêng đều có một lối diễn tấu riêng. Chiếc
“Tôôk chinh” được treo lên, người chơi quấn một chiếc khǎn vào bàn tay
phải rồi nắm chặt đánh nảy từ tâm mặt chiêng lệch sang cạnh mặt chiêng,
còn tay trái ngắt âm ở mặt sau. Người chơi “Vơng chinh” cầm chiêng đứng
dọc theo bụng, tay phải nắm chặt đánh vào gần tâm điểm mặt chiêng cho
vang đủ một trường độ qui định thì cả 2 tay cùng làm động tác ngắt tiếng.
Người diễn tấu “Tôm chinh” để chiêng nằm úp trên đùi, ngồi xếp chân vòng
tròn. Tay trái xoè bàn tay đặt sẵn trên mặt chiêng. Khi tay phải nắm lại
vừa đánh vào tâm điểm mặt chiêng thì ngay lập tức tay trái nhấc lên rồi
đặt xuống ngay, đồng thời tay phải cũng làm động tác ngắt tiêng luôn,
không cho âm ngân nga. Âm nhạc của dàn “chinh goong” có tiết tấu sôi
động. Người chơi càng diễn tấu với tốc độ nhanh càng được coi là tài
nghệ.
Dàn “chinh goong” Hơrê chỉ trình diễn trong những dịp vui, lễ hội với
vai trò độc tấu hoặc làm nhạc nền cho điệu hát “Ka choi” cổ truyển.
Trong lễ tang người Hrê không tấu “chinh goong”.
4. Dàn chiêng “Knăh” của dân tộc Êđê (vùng Buôn Ma Thuột, Krông Păk, Kpông Buk, Ea Sup,
Mad’rak thuộc tỉnh Đăk lăk)
Dàn gồm có 2 cồng núm, 7 chiêng bằng và 1 trống. Trong đó chiếc to nhất
có đường kính khoảng 75 cm, chiếc nhỏ nhất có đường kính khoảng 30 cm.
Cao độ âm thanh của các dàn chiêng “Knăh” không đồng nhất, mỗi dàn có
một thang âm riêng. Mỗi chiếc trong dàn đảm nhận một dạng tiết tấu qui
định nên khi hòa tấu tạo ra hiệu quả âm nhạc đa tiết tấu rất sinh động,
dồn dập, thôi thúc.
Dàn “Knăh” chỉ được chơi ở trong nhà và do đàn ông diễn tấu. Tất cả nhạc
cồng đều ngồi trên ghế dài (Kban) để đánh cồng, mặt quay về hướng mặt
trời mọc. Cách bố trí dàn cồng trong nhà theo một qui định chặt chẽ: 1
chiếc cồng núm lớn nhất và một chiếc chiêng bằng lớn nhất được treo lên
về phía trái nhà; tiếp đến 6 chiêng bằng còn lại xếp cạnh nhau, cái to
trước, cái nhỏ sau, người chơi đặt chiêng nằm trên đùi và dùng dùi gỗ gõ
vào mặt trong của chiêng. Sau 6 chiếc chiêng bằng là chiếc cồng thứ hai,
người chơi đặt chiếc cồng này nằm trên mặt sàn nhà, dưới lót đệm vải
hoặc đệm bông gòn và dùng dùi có bọc vải ở đầu để gõ. Trống xếp ở vị trí
cuối sau dàn chiêng.
Dàn chiêng “Knăh” là một thành phần không thể thiếu trong các ngày lễ
hội cổ truyền của người Êđê.
5. Dàn chiêng “Hnìh” của dân tộc Giẻ Triêng (vùng Đaklây tỉnh Kontum) Dàn “Hnih” gồm 3 chiếc
chiêng bằng và 1 chiếc “đuk dik”. Đây là dàn nhậc có định âm. “Đuk dik”
là nhạc cụ họ tự thân vang, chi gõ, đượclàm từ một ống nứa có một đầu
rỗng, một đầu kín. “Đuk dik” được làm theo nguyên tắc của đàn T’rưng,
tức là người ta gọt vát từ điểm giữa ống cho thuôn hẳn và nhọn dần xuống
phía đầu rỗng.
Ba chiêng bằng có đường kính chiếc to nhất khoảng 55 cm, cái nhỏ nhất
đường kính khoảng 35 cm. Tương quan cao độ của các chiêng là: Quãng 8 -
quãng 8 (La - La - La1). Đuk dik có cao độ tương quan với chiêng cao
nhất một quãng 5 (Rê1).
Người diễn tấu chiêng “Hnih” bao giờ cũng là con trai. Khi chơi mỗi
người một chiếc, tay trái xách chiêng, tay phải cầm dùi gõ. Dàn chiêng
xếp theo hàng một, chiêng đi trước, “Đuk dik” theo sau. Người diễn tấu ở
tư thế hơi khom lưng, vừa đi vừa múa lắc lư theo nhịp chiêng. ứng với
mỗi nghi thức của từng hội lễ dàn Hnih còn có thể diễn tấu kết hợp với
múa, hát và các trò diễn dân gian khác nhau.
Dàn Hnìh diễn tấu trong các ngày lễ đâm trâu, ăn tết, mừng nhà mới, lễ
ăn cơm mới.
[1] Tên dân gian
“chinh” là chiêng; “soang” là múa.
[2] Bahnar (huyện An
Khê tỉnh Gia lai), Jơ rai (huyện Ayunpa, Chưpăh tỉnh Gia lai và Kontum),
R’măm, Hà lăng, Sêd’ra (huyện Sa thầy tỉnh Kontum), M’nâm (huyện Kon
plông tỉnh Kon tum) v.v...
|
|
DÀN CỒNG SẮC
BÙA MƯỜNG |
|
Dàn cồng sắc bùa
Mường gồm nhiều chiếc cồng. Dựa vào chức năng âm nhạc người ta đặt riêng
cho từng chiếc cồng hoặc từng nhóm cồng như:
- Chiêng Cái hoặc chiêng Gọi là chiếc cồng đánh mở đầu bài nhạc cồng.
- Chiêng Boòng Beng là một đôi cồng cỡ nhỏ có âm vang cao nhất.
- Chiêng Đủm là đôi cồng trung.
Chiêng Boòng Beng và chiêng Đủm diễn tấu giai điệu. Có nơi gọi 4 chiếc
này là chiêng Đom hoặc chiêng Dóng.
- Chiêng Dàm là chiếc cồng to có âm trầm nhất.
- Chiêng Khộ là nhóm cồng to, có âm trầm, tham gia diễn tấu chùm âm bè
nền.
Cồng Mường Hòa Bình là loại nhạc cụ tự thân vang, bằng đồng. ở thành
cồng có hai lỗ để luồn dây quai. Kích cỡ các ống to nhỏ khác nhau. Loại
nhỏ có đường kính khoảng 20 cm, nặng 0,7 - 0,8kg. Loại to có đường kính
50 - 60 cm, nặng 5 - 6 kg. Số lượng đầy đủ của dàn cồng xưa là 12 chiếc.
Ngày nay ta thường gặp những dàn cồng có số lượng ít hơn.
Hàng âm của các dàn cồng Mường không đồng nhất, tổ chức cao độ trong
hàng âm giữa các dàn không cố định. Có nghĩa là mỗi dàn cồng có một hàng
âm riêng. Những chiếc cồng trầm (chiêng Dàm) là những chiếc cồng không
định âm. Còn những chiếc cồng cao (chiêng Dóng) có độ cao tương đối,
cách nhau từ quãng 2 đến quãng 4.
Âm chất của cồng có mầu sắc kim khí, ngân nga, vang xa. Với cường độ lớn,
âm thanh cồng nổi rõ bồi âm, cồng càng trầm bồi âm càng rõ. Những cồng
đánh giai điệu (chiêng Dóng) có âm thanh thánh thót, tươi sáng. những
chiêng Dàm đánh bè đệm có âm thanh ấm, nặng nề, hùng tráng, ngân xa.
Dàn cồng sắc bùa Mường do các nữ cồng đánh và một người đàn ông (gọi là
thầy Thường) tham gia hát. Khi diễn tấu mỗi người xách một cồng xếp theo
hàng một vừa đi vừa đánh cồng. Thầy Thường đi trước, cuối hàng là một
người đi theo để nhận quà tặng. Có thể đứng tại chỗ hoặc ngồi đánh cồng,
tùy theo tục lệ của từng lễ thức.
Dàn cồng được người
Mường quí trọng, coi như vật gia bảo trong nhà và đem ra trình diễn vào
những ngày tết đón xuân với phong tục sắc bùa. Ngoài ra trong ngày lễ
cưới, lễ làm nhà mới, đón khách quí v,v... cũng không thể thiếu âm thanh
của dàn cồng.
|
|
DÀN NHẠC ĐÁM
CƯỚI NGƯỜI DAO |
|
Dàn nhạc đám cưới
của người Dao gồm có 3 loại nhạc cụ là 2 chiếc Nom Dặt (người Tày, Nùng,
Thái gọi là Pí lè), một chiếc
Nom Đủ (trống dẹt) và một cái
Nom Lò (chiêng).
Nom Dặt là nhạc cụ họ hơi chi dăm kép, gồm các bộ phận:
- ống kèn là một thân gỗ rỗng lòng, dài khoảng 25 - 30 cm, một đầu nhỏ,
đầu kia to dần. Trên thân ống có 7 lỗ bấm thẳng hàng gần như đều nhau ở
mặt trước và 1 lỗ phía sau gần đầu ống.
- Loa kèn làm bằng đồng, đường kính khoảng 13 cm gắn vào phần đầu to
phía dưới của ống kèn. - Cọc dăm và dăm kèn, phía trên ống kèn (đầu nhỏ)
cắm một ống kim loại nhỏ làm cọc dăm, trên cọc dăm cắm một cái dăm làm
bằng tổ sâu bóp bẹp để thổi.
Âm vực của Nom dặt trải 2 quãng tám. Khi chơi người thổi hai tay cầm dọc
kèn thổi, các ngón tay đặt vào các lỗ bấm.
Nom Đủ là nhạc cụ họ màng rung chi gõ hình tròn dẹt. Thân trống làm bằng
khúc gỗ ngắn khoét rỗng bên trong, cao khoảng 14,5 cm, đường kính khoảng
25 cm. Hai mặt trống đều bịt da, ghim vào thân trống bằng những chiếc
đinh tre. Dùi trống cũng làm bằng tre. Người chơi có thể đánh vào cả hai
mặt trống thay đổi nhau.
Nom Lò là nhạc cụ tự thân vang chi gõ, chất liệu đồng thau kích thước
trung bình, đường kính khoảng 30 - 40 cm, thành cao 12 - 14 cm. Dùi làm
bằng gỗ để trần hoặc bọc vải ở một đầu. Khi chơi người chơi cầm dùi gõ
vào mặt trên của Nom lò.
Các nhạc công chơi trong dàn nhạc đám cưới của người Dao đều là nam giới.
Trong đám cưới người Dao không có hát mà chỉ tấu dàn nhạc. Dàn nhạc
không chỉ tấu lên để gây không khí vui nhộn, tưng bừng mà còn giữ vai
trò quan trọng trong các diễn biến nghi thức phong tục truyền thống. Có
thể kể một số bài nhạc chính chơi trong các nghi lễ đám cưới của người
Dao như sau:
- Bài nhạc đón dâu
- Bài nhạc mời khách ngồi
- Bài nhạc mời dâu, mời rể ngồi
- Bài nhạc mời ăn cơm, mời uống rượu
- Bài nhạc tiễn khách v,v...
Trong dàn nhạc có sự phân công chức năng: Hai chiếc Nom Dặt chơi đồng âm,
đảm nhận phần giai điệu. Nom Đủ (trống dẹt) chơi giữ nhịp và chuyển tiết
tấu. Còn Nom Lò (chiêng) điểm dẫn tiết tấu, điểm mầu sắc tiết tấu khi
đảo phách, khi đơn lẻ, khi dồn dập, độc đáo làm tăng sự hấp dẫn cho dàn
nhạc. |
|
DÀN
NHẠC SƯ TỬ (Dân tộc Tày-Nùng)
|
|
|
Múa sư tử - một sinh
hoạt vui chơi trong ngày hội và chúc tết các gia đình nhân dịp năm mới.
Múa sư tử của người Tày - Nùng là hình thức múa trò gồm các trò: bái lạy,
chào nhau, sư tử đẻ con, nhảy bàn, múa võ, câu cá... Dàn nhạc đệm cho
múa sư tử là các nhạc cụ gõ có cường độ lớn như trống, thanh la, xập xoả. Để phục vụ các trò diễn thì sự ngẫu hứng của dàn nhạc khi diễn tấu là vô
cùng quan trọng. Người đánh trống phải nắm bắt nhanh sự chuyển động của
động tác múa để sáng tạo kịp thời những tiết tấu phù hợp. Người đánh
trống càng giỏi, sự hoà theo của thanh la, xập xoả càng nhịp nhàng thì
trò múa càng hấp dẫn.
|
|
DÀN NHẠC ĐÁM TANG (Các dân tộc thiểu số phía
Bắc)
|
|
Trong
đám tang của các dân tộc thiểu số phía Bắc, dàn nhạc giữ một vai trò
quan trọng. Dưới sự điều khiển của thầy mo, tào, dàn nhạc thực hiện các
thủ tục hành lễ từ đầu đến cuối đám tang. Dàn nhạc này do đàn ông diễn
tấu, biên chế dàn nhạc gồm các nhạc cụ: chuông, trống, thanh la (hoặc
chiêng); dàn nhạc của người Tày, Nùng, Thái có thêm
chũm chọe, pí lè,
sáo, tù và; người Mường có thêm sáo, nhị. Việc sử dụng và số lượng nhạc
cụ của mỗi dân tộc có khác nhau, nhưng về đại thể vẫn giống nhau cả mục
đích lẫn cách thể hiện. Mở đầu phần tế lễ hoặc những đoạn linh thiêng,
thầy mo, tào cúng chỉ dùng chuông, những đoạn cần cường độ âm thanh lớn
để đánh thức linh hồn, múa, đưa tang... thì cả dàn nhạc cùng tấu. |
|
Nguồn: Viện âm nhạc
http:/vienamnhac.vn
|
|
|
|
|