Các vùng Văn hóa

HỌ MÀNG RUNG

(Membraphone)

ACƯR

Trống Acưr là nhạc cụ họ màng rung chi gõ vỗ của dân tộc Tà ôi.
Tang trống là một khúc gỗ đục rỗng bên trong cao 52 cm, 2 mặt trống có đường kính 27 cm được căng bằng da bò, một dùi gõ bằng gỗ dài khoảng 25 cm. Acưr là nhạc cụ dành cho nam giới dùng để hòa tấu trong nghi lễ phong tục. Khi diễn tấu người sử dụng đeo trống trước bụng dùng dùi gõ điểm vào các phách mạnh giữ nhịp cho khúc nhạc.

GHÌ NẰNG

Ghì nằng - cặp nhạc cụ họ màng rung chi gõ vỗ - là nhạc cụ độc tấu, hòa tấu có vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt nghệ thuật đời thường và sinh hoạt tín ngưỡng của tộc người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận.
Ghì nằng dáng hình trụ, ở giữa hơi phình. Tang trống liền được chế tác từ một khúc gỗ lim hoặc gỗ cà chí có chiều cao từ 75 -80 cm và đường kính từ 26 - 28 cm. Trống có hai mặt, mặt lớn bưng bằng da trâu, mặt nhỏ hơn đôi chút bịt bằng da Dê hoặc da Hoẵng. Âm thanh của Nghì Nằng trầm ấm nghe sôi nổi hấp dẫn.

HƠ GƠR

Hơgơr là tên gọi một loại trống lớn, không định âm của đồng bào Êđê. Hơgơr có dáng hình trụ hơi phình giữa. Khi chế tác người ta chọn những cây gỗ Lim, gỗ Dầu có đường kính lớn rồi cắt một đoạn cao khoảng 1,5m đẽo tròn, đục thông suốt hai đầu để làm tang trống.
Khi căng mặt trống, phải lấy được da của một cặp trâu, hoặc voi rất lớn gồm một đực một cái rồi nạo và phơi đúng độ mới đem căng. Đồng bào Êđê cho rằng nếu mặt trống chỉ làm bằng da con đực hoặc con cái thì tiếng trống sẽ không to, không vang.
Người Êđê coi Hơgơr là nhạc cụ thiêng, nên khi đánh trống người ta không đặt trống trực tiếp xuống đất mà phải treo hoặc để trống trên sàn. Người đánh Hơgơr phải là nam giới và là người có uy tín, đã được buôn làng lựa chọn trước. Hơgơr chỉ được đánh vào những dịp lễ trọng đại của buôn làng như: Lễ đâm trâu, Lễ cầu mưa, Lễ mừng lúa mới... Hơgơr được người Êđê coi như sứ giả của thần linh mang đến những câu sấm truyền. Cùng với dàn Chiêng Êđê, Hơgơr tạo nên những âm thanh vang động, khí thế và hùng vĩ.

TRỐNG BỒNG

Là nhạc khí màng rung, chi vỗ của dân tộc Việt. Tang trống làm bằng gỗ cao 44 cm, thắt eo ở giữa. Trống chỉ có một mặt được bịt bằng da trăn, đường kính 21 cm. ở xung quanh tang trống có một hệ thống dây chằng bằng mây, có tác dụng làm căng, trùng mặt trống. Khi diễn tấu nhạc công dùng hai tay vỗ vào mặt trống phát ra hai âm thanh, một cao, một trầm. Âm thanh Trống Bồng đục, ít vang.
Trống Bồng thường dùng trong dàn Đại nhạc, trong sân khấu tuồng, chèo, hoặc trong đám rước, lễ hội. Người đánh Trống Bồng thường có kết hợp múa.

TRỐNG CÁI

Trống cái là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ có kích thước lớn của dân tộc Việt.
Tang trống bằng gỗ hình viên trụ cao từ 50 - 70 cm. Hai mặt trống bưng bằng da trâu hoặc da bò có đường kính từ 40 - 60 cm. Trống được đánh bằng dùi gỗ, âm thanh trống cái trầm, cường đội âm thanh lớn, vang xa. Là nhạc cụ hoà tấu dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng, trong biểu diễn nghệ thuật và thông tin trong cộng đồng.

 

TRỐNG CHIẾN

Là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ của dân tộc Việt. Tang trống làm bằng gỗ mít cao khoảng 34 cm. Mặt trống có đường kính 32 cm, bưng bằng da trâu, Dùi trống làm bằng gỗ găng. Khi đánh người ta đặt trống lên giá đỡ, gõ vào mặt trống sao cho một mặt có tiếng trầm, một mặt có tiếng bổng (tùng và tang) được gọi là mặt âm và mặt dương. Âm thanh Trống Chiến rộn ràng, khoẻ, vang xa.
Là nhạc cụ hòa tấu tham gia trong dàn nhạc lễ, đặc biệt Trống Chiến là trụ cột trong dàn nhạc sân khấu tuồng, dùng đánh chấm câu, mở câu, thôi thúc nhịp điệu, tạo nên tiết tấu múa hát tuồng.

 

TRỐNG CƠM

Trống Cơm - nhạc cụ họ màng rung, chi vỗ của dân tộc Việt. Được gọi là "Trống Cơm" vì trước khi sử dụng, nhạc công dùng cơm nóng nghiền nhuyễn gắn vào mặt trống để điều chỉnh độ cao thấp của âm thanh.
Thân trống cơm có hình ống, hai đầu hơi múp, được làm từ một khúc gỗ khoét rỗng dài khoảng 56 - 60 cm. Đường kính hai mặt khoảng 15 - 17 cm, bịt bằng da trâu hoặc da bò, mặt trầm gọi là "mặt thổ", mặt cao là "mặt kim". Một hệ thống dây chằng bằng da hoặc mây gọi là dây xạ có tác dụng làm căng, trùng hai mặt trống. Là nhạc cụ hòa tấu, được dùng trong nghi lễ phong tục và dàn nhạc chèo, âm thanh trống cơm trầm, vang, hơi đục.

TRỐNG ĐẾ

Trống đế là nhạc khí gõ, họ màng rung của dân tộc Việt. Đúng như tên gọi, Trống đế làm nhiệm vụ đế có nghĩa là lót, là chỗ dựa, làm điểm xuyết cho diễn viên khi biểu diễn và ca hát.
Trống Đế có hai mặt hình tròn, đường kính khoảng 15 cm, bưng bằng da nách của con trâu. Những nghệ nhân làm trống cho rằng da nách mỏng, dai và bền, đủ sức chịu đựng độ căng mặt trống. Tang trống cao khoảng 18 cm, khoét từ một khúc gỗ mít (gọi là tang liền). Dùi trống làm bằng gỗ cứng, dài khoảng 25 cm, một đầu to, một đầu nhỏ.
Âm thanh Trống Đế nghe vui, cao, lảnh lót, hơi đanh nhưng gọn tiếng. Người ta đánh vào nhiều vị trí khác nhau trên trống đã tạo ra được nhiều âm thanh khác nhau:
- Đánh vào giữa mặt trống, tiếng trống nghe vang, ròn.
- Đánh vào mặt trống nhưng giữ nguyên dùi, âm thanh sẽ khô, xỉn.
- Đánh vào cạnh mặt trống nghe như tiếng phách.
Nhờ kết hợp tài tình các lối đánh ở mặt và tang trống, gây ra sự đối lập nhưng lại hài hòa về mầu sắc, âm thanh.
Kỹ thuật diễn tấu.
- Ngón vê: Hai tay thay đổi nhau gõ thật nhanh và liên tục hai bên tang trống và trên mặt trống.
- Ngón nóc: Hai tay thay đổi gõ nhanh vào tang trống, nhưng thường là năm tiếng một, tiếng sau cùng có độ ngân bằng bốn tiếng đầu.
Trống Đế có ở Việt Nam từ lâu đời. Trống được coi là nhạc khí gõ cao âm quan trọng, không thể thiếu trong sân khấu chèo truyền thống. Ngoài ra trống cũng được dùng trong một vài thể loại ca nhạc dân tộc khác như Ca Trù, Chầu Văn vv... Nhưng không phổ biến.

 

TRỐNG HAGỪNSÍT

Hagừnsít tên gọi một loại trống họ màng rung chi gõ trong bộ nhạc của tộc người Chǎm Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tang trống bằng gỗ cốc cao khoảng 40 cm, 2 mặt trống bưng bằng da Hoẵng, đường kính 16,5 cm. Trống chỉ được sử dụng trong lễ Phong Chức, lễ Hỏa Táng, thường hòa tấu với kèn Xaranai -đàn Ka Nhi và Chiêng. Người ta treo Hagừnsít trên một cái giá cùng với hai cái chiêng do một nghệ nhân đánh bằng hai dùi bọc vải ở đầu.

 

TRỐNG MẢNH

                                                                              

Trống mảnh hay còn gọi là Bồng bộc thuộc nhạc cụ màng rung, chi gõ của dân tộc Việt. Tang trống bằng gỗ, cao khoảng 6 cm. Trống chỉ có một mặt, bịt bằng da, đường kính 10 cm. Đáy rộng hơn, đường kính 15 cm không bịt da. Dùi trống làm bằng gỗ cứng dài 20 cm. Khi diễn tấu trống mảnh được gõ bằng một dùi. Âm thanh trống mảnh đục, không vang. Trống mảnh thường tham gia hòa tấu trong dàn tiểu nhạc.

 

TRỐNG PARANƯNG

                           

Trống Paranưng là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ vỗ của tộc người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận.
Trống chỉ có một mặt, đường kính khoảng 45 - 50 cm, bịt bằng da hoẵng hoặc da dê. Tang trống liền làm từ gỗ lim hoặc gỗ cà chí cao khoảng 9 cm. Mặt trống được căng bằng hai đai tròn làm từ một đoạn mây song và một hệ thống dây chằng đan chéo nhau để căng mặt trống. Từ giữa tang đến vành phía dưới là những con nêm để căng trống khi bị trùng.
Người đánh trống Paranưng được gọi là "ông thầy vỗ" vì khi diễn tấu trống được đặt ở trước bụng, rồi sử dụng các ngón của hai bàn tay vỗ (chứ không dùng dùi) vào những vị trí khác nhau trên mặt trống tạo các âm có mầu sắc: Tìn ; Tin; Tắc.
- Tìn: Dùng các đầu ngón tay phải khép lại, vỗ vào mặt trống cách vành khoảng 12 cm, rút tay lên ngay tạo âm vang rền.
- Tin (hoặc tâm): Dùng các đầu ngón tay phải mở ra vỗ vào mặt trống cách vành 5 -6 cm, rút tay lên ngay tạo âm cao hơn Tìn.
- Tắc: Dùng các đầu ngón tay trái khép lại vỗ vào mặt trống cách vành 5 - 6 cm, nhưng ấn giữ nguyên tạo âm ngắt và đục.
Paranưng có chức năng vỗ nhịp đệm cho hát, hòa cùng nó thường là kèn Xaranai và trống Ghì Nằng. Người sử dụng Paranưng là ông Mưtuồn chủ lễ, có lẽ vì thế trống Paranưng trở thành một nhạc cụ quan trọng trong lễ hội của dân tộc Chăm.

 

TRỐNG TANH SÀNH

               

Trống Tang Sành là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ vỗ của dân tộc Sán Chay.
Tang trống được làm bằng sành cao 49 cm thắt eo ở giữa. Hai mặt trống bằng da trǎn, mặt lớn đường kính 21 cm, mặt nhỏ đường kính 8,5 cm căng bằng dây da. Khi sử dụng trống được đặt ngang, tay phải dùng que tre mềm gõ, tay trái vỗ nhịp nhàng theo tiết tấu. Âm thanh của trống Tang Sành nghe đục, không vang. Là nhạc cụ độc tâu, hòa tấu, và đệm cho múa trong sinh hoạt hội hè.

 

TRỐNG XẨM

Trống Xẩm hay còn gọi là trống mảnh, là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ của dân tộc Việt. Tang trống làm bằng gỗ cứng cao 4 - 5 cm, trống chỉ có một mặt đường kính 15 - 20 cm. Dùi đánh Trống Xẩm làm bằng tre dài 20 cm.
Khi biểu diễn nhạc công thường để trống lên đùi, một tay cầm dùi gõ vào mặt trống. Âm thanh trống xẩm đục, không vang. Trống xẩm thường hòa tấu cùng đàn bầu, đàn hồ, mõ tre, và cặp kè trong dàn nhạc đệm cho hát Xẩm.

 

Tham khảo nguồn:

Viện Âm nhạc Việt Nam http://www.vnmusicology-inst.vnn.vn

Hơi

Tự thân vang

Dây

   
http://www.facebook.com/cotruyen.nhac

                                                                    Trở về đầu trang

 

 

 

© Âm nhạc cổ truyền Việt Nam

 - Email: vinphuc@gmail.com - Design by vinhphucnet

 

Free Web Hosting