Các vùng Văn hóa

HỌ DÂY

(Cordophone)

ABEL

   

Abel - nhạc cụ họ dây, chi cung kéo của dân tộc Cơ Tu, người Giarai gọi là K'ny, là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng để đệm cho hát trong sinh hoạt thường ngày.
Abel không có bầu cộng hưởng, thân Abel được làm bằng một ống nứa nhỏ dài 43 cm, đường kính 2 cm. 1 cần kéo bằng cật nứa dài 56 cm, 1 dây bằng kim loại mắc dọc theo thân đàn. Để khuếch đại âm thanh người ta dùng một sợi dây tơ, một đầu buộc vào dây đàn, đầu kia buộc vào ảnh sừng trâu bóc mỏng hình tròn gọi là lam đàn.
Khi chơi đàn người ta ngậm toàn bộ lam đàn vào miệng, lúc này khoang miệng đóng vai trò là bầu cộng hưởng, kết hợp với giọng hát Abel cho người nghe một cảm giác âm thanh kỳ lạ.

 

BROH

  

Broh là tên gọi nhạc cụ họ dây, chi búng gẩy của dân tộc Giarai. Broh được cấu tạo từ một quả bầu già và một ống tre lồ ô dài 25 cm nối với một thanh gỗ khoảng 100 cm, có khoét thành mấu để lắp dây đàn. Thân đàn có gắn 4 phím bấm bằng sáp ong. Đàn có 2 dây bằng kim loại mắc dọc theo thân đàn, 2 trục đàn cách nhau 7 cm. Bầu cộng hưởng là 1 quả bầu khô nằm ở giữa thân đàn.
Khi diễn tấu, Broh do một người nam giới ngồi và đặt quả bầu vào trong lòng, dùng một miếng tre dài 2 cm buộc với một đoạn cước buộc vào ngón trỏ tay phải để diễn tấu.
Âm thanh của đàn trầm, đục, buồn mang chất tự sự. Khả năng diễn tấu của Broh linh hoạt, độc đáo.
Broh không phải là nhạc cụ kiêng cấm, được dùng trong lúc tỏ tình bên dòng suối hay trên nương.

BRỐ

          

Brố là nhạc cụ họ dây, chi búng gẩy phổ biến ở dân tộc Êđê. Brố được làm bằng một ống tre dài khoảng 109 cm, đường kính 3 cm. Cuối ống đàn người ta gắn một miếng gỗ nhỏ có lỗ để mắc dây đàn. Đàn được buộc chặt với 1/2 quả bầu già bằng sợi dây vải.
Đàn có 5 phím bấm bằng sáp ong và cách nhau 8 cm. Một đầu ống có2 trục lên dây. Đàn có 2 dây, 1 dây buông và một dây chơi giai điệu. Hai dây này được lên theo quãng 5.
Tiếng Brố trầm, đục thích hợp với những khúc hát tâm sự, chất trữ tình. Brố là đàn của nam giới tự đệm khi hát. Khi diễn tấu đàn được cầm ngang, tay phải của người chơi được buộc vào một miếng sừng nhỏ làm móng gẩy. Đàn dành riêng cho nam giới diễn tấu và không phải nhạc cụ bị cấm kỵ. Brố dùng rộng rãi trong buôn làng, đôi khi trên nương rẫy.

 

CÒ KE

 

Cò ke là nhạc cụ họ dây, chi cung kéo của dân tộc Mường. Cò ke có hình dáng giống Đàn Nhị của dân tộc Việt nhưng chế tác thô sơ hơn.
Cần đàn là một đoạn gỗ tròn đường kính 1,5 cm, chiều dài 65 - 78 cm, phía đầu trên cần đàn có đục hai lỗ để cắm trục vặn dây, đầu còn lại được cắm xuyên qua bầu cộng hưởng. Bầu cộng hưởng là 1 đoạn ống bương rỗng cả hai đầu, dài khoảng 13,8 cm, đường kính 5 cm, một đầu được bịt bằng một mảnh mo bương hoặc da ếch. Ngựa đàn làm bằng tre hay gỗ dài 1 cm đặt khoảng giữa mặt da. Cò ke mắc hai dây bằng xơ dứa dại hay tơ tằm se lại, vuốt nhựa khoai lang. Hai dây lên cách nhau 1 quãng 4 hay quãng 5 (tuỳ theo từng bài). Một sợi dây tơ néo 2 dây vào sát cần đàn gọi là "cữ đàn" có tác dụng điều chỉnh độ cao thấp của âm thanh. Khi đưa cữ đàn xuống làm ngắn quãng dây phát âm, đàn có âm thanh cao, đẩy cữ đàn lên làm dài quãng phát âm, đàn có âm thanh trầm. Cung kéo là một cành tre nhỏ được uốn cong và mắc túm xơ dứa hay những sợi giang tước nhỏ dài khoảng 53 cm, luồn vào giữa hai dây đàn.
Khi diễn tấu người sử dụng dùng tay phải kéo, đẩy cọ sát dây kéo vào 2 dây đàn để phát âm thanh. Tay trái bấm dây, với các kỹ thuật ngón rung, vuốt, nhấn, láy... Kỹ thuật tay phải gồm: Vĩ rời, vĩ luyến, vĩ ngắt.
Âm thanh của Cò Ke ấm, trong trẻo, gần giống tiếng người.
Cò Ke là nhạc cụ dùng để hòa tấu cùng với các nhạc cụ khác trong đám ma và dàn nhạc lễ của người Mường.

ĐÀN BẦU

Đàn Bầu có tên chữ là Độc Huyền Cầm, là nhạc cụ họ dây chi gẩy của dân tộc Việt. Đàn có hai loại là đàn thân tre và đàn hộp gỗ.
Đàn thân tre: là đàn của những người hát Xẩm. Thân đàn làm bằng 1 đoạn tre hoặc bương dài khoảng 120 cm, đường kính 12 cm. Mặt đàn là chỗ đã được lóc đi một phần cật thích hợp trên đoạn tre hoặc bương.
Đàn hộp gỗ là loại đàn cải tiến sau này, dùng cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đàn hộp gỗ có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau. Loại phổ biến nhất là loại hình thang có chiều dài khoảng 115 cm. Đầu lớn rộng 10 cm, cao 9 cm, đầu nhỏ rộng 8 cm, cao 7 cm. Mặt đàn cong làm bằng loại gỗ nhẹ, xốp như gỗ Ngô Đồng, gỗ Vông. Đáy đàn phẳng cũng làm bằng gỗ nhẹ, xốp có lỗ thoát âm. Thành đàn làm bằng một loại gỗ cứng như gỗ Trắc, Mun.
Về hình dáng và chất liệu của hộp cộng hưởng (tức Thân đàn) của hai loại đàn có khác nhau, nhưng về cấu tạo, hai đàn hoàn toàn giống nhau.
Dây đàn có chiều dài chạy suốt thân đàn. Thuở xưa dây đàn làm bằng tơ tằm se thành sợi, về sau thay bằng dây sắt.
Bầu đàn làm bằng 1/2 vỏ quả bầu nậm (lấy đoạn núm thắt cổ bồng). Bầu đàn lồng vào giữa vòi đàn nơi buộc dây đàn. Bầu đàn có tác dụng tăng thêm âm lượng cho đàn. Ngày nay người ta tiện bầu đàn bằng gỗ và chỉ có tác dụng tạo dáng mà thôi.
Trục lên dây làm bằng tre (ở đàn tre) hoặc bằng gỗ (ở đàn gỗ). Trục lên dây nằm ở cạnh trong sát phía dưới thân đàn. Dây đàn luồn qua một lỗ nhỏ ở mặt đàn rồi sâu vào trục lên dây. Phía trước lỗ nhỏ có một ngựa đàn đỡ dây đàn.
Âm hưởng của Đàn Bầu nhỏ chỉ thích hợp với không gian yên tĩnh. Thủa xưa Đàn Bầu là nhạc cụ của những người hát rong (hát Xẩm). Về sau này Đàn Bầu đã tham gia trong các dàn nhạc Chèo, Tài Tử, Ngâm Thơ, tốp nhạc, nhóm nhạc và độc tấu. Rất nhiều tác phẩm sáng tác cho Đàn Bầu độc tấu như : Vũ Khúc Tây Nguyên - Đức Nhuận, Dòng Kênh Trong - Hoàng Đạm, Vì Miền Nam - Huy Thục...
Trong số những cây đàn một dây của các nước trên thế giới như đàn Tuntina của ấn Độ, Đàn Cung ở vùng Đông Phi, đàn TushuenKin (độc huyền cầm) của Trung Quốc. Không có cây đàn một dây nào phát ra cả một hệ thống âm bồi vừa có tính phổ cập, vừa có tính nghệ thuật cao như cây Đàn Bầu của Việt Nam. Sử liệu Trung Hoa cho biết:
“...họ dùng một khúc tre dài chừng 1 thước hơn, một dầu có trụ cao làm tay cầm, có giây buộc vào trụ nối lại đằng kia mà làm đàn gọi là độc huyền cầm...”

ĐÀN ĐÁY

     

Đàn Đáy thuộc họ dây chi gẩy là nhạc cụ của người Việt. Vì đàn không có đáy, nên có tên chữ là Vô để cầm.
Hộp đàn hình thang cân, đáy lớn rộng 24 cm, đáy nhỏ rộng 20 cm. Đáy đàn khoét một khoảng trống hình chữ nhật. Thành đàn cao khoảng 9 cm bằng gỗ cứng. Mặt đàn làm bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc, trên mặt có gắn một cái thú để mắc dây. Cần đàn dài 1,16 cm trên có gắn từ 10 - 12 phím bằng tre. Đầu đàn hình lá đề có 3 trục gỗ để lên dây. Đàn có 3 dây bằng tơ xe, cách nhau một quãng 4 đúng, khi nhạc công bấm vào cung phím thứ nhất trên cả 3 dây, sẽ cho 3 âm: Sol - Dô1 - Fa1 (khác với các loại đàn khác, Đàn Đáy cổ truyền không bao giờ đánh dây buông).
Đàn Đáy chỉ dùng để đệm cho hình thức âm nhạc duy nhất - Hát ả Đào. Theo phó giáo sư tiến sĩ Thụy Loan, phải tới thế kỷ XVI - XVII - XVIII Đàn Đáy mới xuất hiện ở các đình (Lỗ Hạnh, Hoàng Xá) và đền (Tam Lang). Tóm lại, niên đại xuất hiện của Đàn Đáy được các nhà nghiên cứu nghi nhận sớm nhất là thế kỷ XV. Niên đại xuất hiện này hoàn toàn phù hợp với những ghi chép trong thư tịch cổ và những tư liệu mỹ thuật đã được phát hiện.
Từ hình dáng, âm thanh đến thể loại âm nhạc mà Đàn Đáy biểu diễn chỉ có ở Việt Nam - Đàn Đáy là nhạc cụ do người Việt Nam sáng tạo.
Đàn đáy là nhạc khí đặc trưng trước kia chỉ dùng để đệm cho một thể loại hát duy nhất với hai nhánh mà ngày nay người Việt thường gọi là Hát cửa đình và Hát ả đào (hoặc Ca trù). Chỉ nam giới mới chơi nhạc cụ này. Có lẽ đàn được sáng tạo từ thế kỷ XV với sự định hình của thể loại hát nói trên.
Cũng có những phím cao nhưng cần đàn rất dài nên đàn đáy thuộc loại nhạc cụ trầm và có một kỹ thuật độc đáo là ngón chùn làm cho âm thanh bị thấp xuống so với ngón bấm bình thường.
Âm sắc trầm, đục, ấm nhưng ngắn của đàn đáy tạo nên sự tương phản làm nổi bật âm sắc của những người bạn hoà tấu với nó.
Ngoài thể loại nói trên, ngày nay đàn đáy còn được dùng để đệm cho ngâm thơ. Bởi tính chất khiêm tốn, nhũn nhặn của tiếng đàn trong khi đệm cho hát, có người đã ví đàn đáy như một "triết gia ẩn dật"

 

ĐÀN HỒ

    

Đàn Hồ hay còn gọi là Đàn Gáo, là nhạc khí họ dây, chi kéo cung vĩ của dân tộc Việt.
Đàn Hồ làm bằng gỗ trụ hay trắc. Bầu cộng hưởng làm bằng gáo dừa hoặc gỗ rỗng lòng đường kính 14,5 cm, một đầu bịt da trăn hay da kỳ đà. Cần đàn tròn hoặc vuông không có phím bấm dài khoảng 82,5 cm, đầu dưới cần đàn xuyên thủng qua bầu cộng hưởng. Đầu trên gọi là thủ đàn hình chữ nhật được uốn vát về phía sau, có gắn hai trục gỗ tròn để lên dây. Ngựa đàn làm bằng tre hay gỗ dài 1,5 cm đặt khoảng giữa mặt da. Khuyết đàn làm bằng sợi tơ xe néo 2 dây vào gần sát cần đàn. Khuyết đàn có tác dụng điều chỉnh độ cao thấp của âm thanh. Cung vĩ làm bằng tre, hoặc gỗ được uốn cong hình cánh cung. Vĩ đàn đặt giữa hai dây, khi đàn vĩ cọ sát vào dây phát ra âm thanh. Đàn Hồ có 2 dây bằng tơ xe, ngày nay đã thay bằng dây kim khí, dây đàn được lên cách nhau một quãng năm đúng Sol - Re1 hoặc Fa - Do1.
Đàn Hồ tham gia trong dàn nhã nhạc, phường bát âm, dàn nhạc sân khấu tuồng, chèo và giữ vai trò quan trọng trong ban nhạc xẩm.

 

ĐÀN NGUYỆT

 

Đàn Nguyệt là nhạc cụ họ dây chi gẩy của người Việt, đàn còn có các tên gọi khác: Đàn Kìm, Vọng Nguyệt Cầm hoặc Quân Tử Cầm. Mặt đàn hình tròn đường kính 30 cm bằng gỗ nhẹ, xốp để mộc. Trên mặt đàn có gắn một bộ phận để mắc dây, gọi là Thú.
Thành đàn mỏng làm bằng gỗ cứng cao khoảng 6 cm, đáy bịt gỗ, không có lỗ thoát âm. Cần đàn dài khoảng 100 cm có gắn 10 phím theo thang 5 âm (7 phím gắn ở cần đàn, 3 phím gắn ở mặt đàn). Thủ đàn lắp 4 trục lên dây nhưng chỉ mắc 2 dây bằng tơ xe nay đã thay bằng dây nilon).
Hai dây Đàn nguyệt lên cách nhau một quãng 5 đúng: Fa - Đô1; Sol - Rê1 hoặc quãng 4 đúng G - C1 ; D1 - G1 Ngày xưa nhạc công gẩy đàn bằng móng tay, ngày nay bằng miếng gẩy nhựa hoặc đồi mồi.
Nhờ có cần tương đối dài và những phím cao, nhạc công có thể tạo được những âm nhấn nhá uyển chuyển, mềm mại.
Tiếng đàn trong, vang, khả năng biểu hiện phong phú- khi thì sôi nổi ròn rã, lúc lại nỉ non sâu lắng, do đó đàn nguyệt có mặt cả trong những cuộc hoà tấu nhạc lễ trang nghiêm, những cuộc hát văn lôi cuốn, những lễ tang bùi ngùi xúc động cũng như những cuộc hoà tấu thính phòng thanh nhã với những hình thức diễn tấu khác nhau: đệm cho hát, hoà tấu và độc tấu.
Đàn Nguyệt thường được sử dụng đệm cho Hát Văn, Ca Huế, Ca Tài Tử, nhạc Bát Âm, Nhạc Lễ, và dàn nhạc sân khấu truyền thống.
Ngày nay Đàn Nguyệt đã được các nhạc sỹ sáng tác thêm nhiều tác phẩm để độc tấu như : Quê Ta, Chung Một Niềm Tin của Xuân Khải, Tình Mẹ của Trần Luận, Tình Quân Dân của Xuân Ba...

 

ĐÀN NHỊ

Đàn Nhị còn có tên gọi khác là Cò Líu, Cò Lòn hoặc Nhị Líu, Nhị Lòn, là nhạc khí dây, chi kéo cung vĩ.
Đàn Nhị làm bằng gỗ gụ hay trắc. Bầu cộng hưởng gọi là bát nhị. Bát nhị hình ống rỗng lòng, dài khoảng 13,8 cm, một đầu bịt da trăn hay da kỳ đà. Cần đàn tròn không có phím, đầu dưới cắm xuyên qua bầu đàn, đầu trên gọi là Thủ đàn. Thủ đàn hình đầu con cò, có gắn hai trục gỗ tròn để lên dây, có khi trục đàn được chạm khắc cầu kỳ.
Ngựa đàn làm bằng tre hay gỗ dài 1 cm đặt khoảng giữa mặt da. Khuyết đàn còn gọi là "Cữ đàn" là một sợi tơ xe néo vào 2 dây đàn. Cữ đàn có tác dụng điều chỉnh độ cao thấp của âm thanh. Khi đưa cữ đàn xuống là làm ngắn quãng dây phát âm, đàn có giọng cao. Khi đẩy cữ đàn lên, làm dài quãng dây phát âm, đàn có giọng trầm.
Cung vĩ làm bằng tre, hoặc gỗ được uốn cong hình cánh cung, người ta mắc vĩ như dây cung. Vĩ đàn đặt giữa hai dây, khi đàn vĩ cọ xát vào dây phát ra âm thanh.
Đàn Nhị có 2 dây bằng tơ xe, gần đây đã thay bằng dây kim khí, được lên theo quãng 5 đúng. Ví dụ muốn đánh những bài Bắc (có tính chất vui) tương ứng với hai âm G1 - D2, bài Nam (tính chất buồn) F1 - C2, bài Chèo C1 - G1...
Đàn Nhị thường tham gia trong dàn Nhã Nhạc, phường Bát Âm, ban nhạc Tài Tử, ban nhạc Chầu Văn, dàn nhạc sân khấu Tuồng, Chèo...
Người dân Nam bộ gọi là "đàn cò" vì hình dáng giống như con cò, trục dây có đầu quặp xuống như mỏ cò- Cần đờn như cổ cò - thân đờn như con cò - tiến đờn nghe lảnh lót như tiếng cò. Trong các dàn nhạc phường bát âm, ngũ âm, nhã nhạc, chầu văn, sắc bùa, nhặc tài tử, cải lương dàn nhạc dân tộc tổng hợp, dân ca... đều có đờn cò.

 

ĐÀN SẾN

 

Là nhạc khí dây gẩy của dân tộc Việt. Được dùng phổ biến ở Miền Nam. Hộp đàn hình hoa đào sáu cánh hoặc hình lục giác, đường kính 28 cm. Mặt đàn và đáy đàn làm bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Thành đàn dày 6 cm, làm bằng gỗ cứng. Cần đàn dài 70 cm, trên mặt đàn có 17 phím bấm. Phím đàn được gắn dựa theo thang âm 7 cung chia đều. Đàn có 3 trục gỗ nhưng chỉ dùng 2 trục để lên dây còn 1 để trang trí. Hai dây đàn bằng tơ se, được lên cách nhau một quãng 4 hoặc quãng 5: Fa - Do1 hoặc Sol - Do1. Khi diễn tấu nhạc công gẩy đàn bằng miếng gẩy nhựa tạo ra âm sắc trong trẻo, tươi sáng.
Đàn sến thường dùng trong các dàn nhạc sân khấu tuồng, cải lương.

 

ĐÀN TAM

Đàn Tam là nhạc cụ dây gẩy của dân tộc Việt. Đàn được mắc ba dây nên gọi là Đàn Tam (tam là ba).
Hộp đàn là khuôn gỗ dầy hình chữ nhật (4 cạnh tròn), kích thước 14 - x 17 cm. Thành đàn cao khoảng 5 cm bằng gỗ cứng. Đáy bịt gỗ, có lỗ thoát âm. Mặt đàn làm bằng da trăn, da kỳ đà, trên mặt có gắn một cái thú để mắc dây. Cần đàn dài 0,65 m không có phím, trên mặt cần có một miếng gỗ để luồn dây, ba dây được mắc vào cuối bầu đàn chạy qua ngựa và miếng gỗ, miếng gỗ này có tác dụng di chuyển làm cho âm thanh cả 3 dây hạ xuống hay cao lên khi cần thiết. Đầu đàn hình thang cân có 3 trục gỗ để lên dây. Dây đàn bằng tơ xe, nay bằng dây nilon được lên cách nhau một quãng 4 đúng và 5 đúng Sol - Do -Sol1 hoặc Sol - Re - Sol1
Đàn Tam được dùng phổ biến trong dàn nhạc chèo, phường bát âm, ban nhã nhạc. Ngày nay Đàn Tam đã được đưa vào dàn nhạc dân tộc tổng hợp.

 

ĐÀN TAM THẬP LỤC

Là nhạc khí dây, chi gõ của dân tộc Việt, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đàn có 36 dây nên được gọi là Tam Thập Lục.
Đàn Tam thập lục hình thang cân, mặt đàn hơi phồng lên ở giữa, làm bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Cầu đàn, thành đàn làm bằng gỗ cứng, trên mặt đàn đặt so le hai hàng ngựa, mỗi hàng 18 ngựa. Cần đàn bên trái có 36 móc để mắc dây, bên phải có 36 trục để lên dây. Dây đàn làm bằng kim khí. Que đàn được làm bằng hai thanh tre mỏng, dẻo, ở đầu được quấn dạ để tiếng đàn được êm. Âm thanh đàn Tam thập lục trong sáng, thánh thót, rộn rã.
Âm vực đàn Tam thập lục tương đối rộng. Từ âm trầm nhất đến âm cao nhất trên hai quãng 8, được mắc theo gam nguyên.
Khi biểu diễn nhạc công dùng 2 que gõ vào mặt đàn tạo ra các ngón như: Ngón rung, ngón vê, ngón bịt, ngón á, đánh cồng âm, hợp âm...
Đàn Tam thập lục giữ vai trò quan trọng trong các dàn nhạc sân khấu chèo, cải lương. Đàn đệm cho hát, độc tấu, tham gia dàn nhạc dân tộc tổng hợp.

 

 Họ Dây 2

Tham khảo online:

Họ dây

Tự thân vang

Màng rung

Hơi

   
 

Tham khảo nguồn:

Viện Âm nhạc Việt Nam http://www.vnmusicology-inst.vnn.vn

www.giaidieu.net

Facebook: www.facebook.com/cotruyen.nhac

                                                                    Trở về đầu trang

 

 

© Âm nhạc cổ truyền Việt Nam

 - Email: vinphuc@gmail.com - Design by vinhphucnet

 

Free Web Hosting