Các vùng Văn hóa

TỰ THÂN VANG

 (Idiophone)

ÂN TOONG

Ân Toong là nhạc cụ họ tự thân vang chi gõ của dân tộc Tà Ôi.
Ân Toong gồm 7 thanh gỗ đường kính 6 - 11cm dài 41 - 72cm, phần giữa của mỗi thanh được đẽo vòng thành 7 thanh đàn. 7 Thanh dàn này sắp xếp từ thấp đến cao buộc vào 2 sợi dây mây rồi treo dốc lên giá đàn. Hai dùi gõ bằng gỗ dài khoảng 20cm. Trước đây đàn chỉ gồm 4 thanh gỗ dài ngắn khác nhau được treo song song từ trên xuống bằng dây mây trên một cái giá. Loại 7 thanh sau này đã được thanh niên người Tà Ôi cải tiến để diển tấu các bài nhạc mới. Ân Toong là nhạc cụ do nam giới sử dụng để độc tấu, hoà tấu trong sinh hoạt thường ngày và đuổi chim thú đến phá hoại hoa màu.

BIÊN CHUNG

Biên chung

Bác chung

Biên chung là dàn chuông. Bác chung là chuông lớn. Dàn biên chung của âm nhạc triều đình Huế gồm 12 cái. Được sử dụng trong dàn nhạc Huyền vào các dịp lễ Tế Giao, Tế Miếu. (Ảnh tư liệu về Biên chung trong Brodrick 1942, tr. 208)

BIÊN KHÁNH

Biên khánh

Đặc khánh và Biên chung

Biên khánh là dàn khánh đá gồm 12 chiếc trong âm nhạc triều đình Huế. Đặc khánh là chiếc khánh lớn. Biên khánh, đặc khánh và biên chung, bác chung đều được sử dụng trong dàn nhạc Huyền cùng với Chúc, Ngữ, đàn Cầm, đàn Sắt... theo hệ thống bát âm của dàn Nhã nhạc lớn.

Đàn Cầm

Đàn Sắt

Chúc

Ngữ

BẲNG TĂNG

Bẳng Tăng là nhạc khí tự thân vang, ko định âm của người Thái và một số cư dân khác sống ở Tây Bắc Việt Nam.
Bẳng Tăng được làm bằng nứa. Đó là những ống nứa nhỏ rỗng hai đầu, đường kính khoảng 5 - 7cm, dài khoảng 30 - 40cm
Bẳng Tăng là nhạc khí của nữ giới. Khi chơi, mỗi cố gái hai tay cầm hai ống nứa, đập hai ống vào nhau tạo âm thanh theo những mô hình tiết tấu quy định để phụ hoạ, làm nền cho các điệu múa. Đôi khi các cô gái vừa diễn Bẳng tăng vừa nhảy múa, lúc này Bẳng Tăng có vái trò vừa là nhạc cụ vừa là đạo cụ múa
Âm thanh của Bẳng Tăng vang nhưng ko trong. Bẳng Tăng thường được diễn tấu vào những dịp lễ hội và những đêm liên hoan của thanh niên, trai gái

CHIÊNG HONH

Chiêng Honh là nhạc cụ họ tự thân vang, chi gõ đấm của dân tộc Gia Rai
Dàn Chiêng Honh được làm bằng đồng gốm 11 chiêng núm đường kính 19,5 - 83cm và 13 chiêng bằng đường kính 25,5 - 53cm. Là nhạc cụ thiêng rất phổ biến ở Gia Rai, được nam giới sử dụng trong nghi lễ tín ngưỡng như: Hội đâm trâu, hội Pơthi, lễ bỏ mả, hội ăn mừng lúa mới...dàn chiêng hoà nhịp vang lên là tiếng nói của con người với các đấng thần linh

CHING KRAM

Ching Kram - nhạc cụ họ tự thân vang, chi gõ đấm của dân tộc Êđê, là nhạc cụ dành cho nam giới dùng để hoà tấu trong sinh hoạt, vui chơi, giải trí
Ching Kram gồm 6 -7 thanh tre dài 31 -43cm, dầy 1cm, bản rộng 4,2 - 5,3cm. Mỗi thanh có kèm theo 1 dùi gõ và một ống tre dài 20 - 25cm làm bầu cộng hưởng. Khi diễn tấu người sử dụng kẹp ống cộng hưởng vào giữa hai chân, tay cầm dùi gõ vào thanh tre tạo ra âm thanh nghe ròn rã, vui tai rất thích hợp với không khí vui chơi, giải trí

CHŨM CHOẸ

Chũm choẹ còn gọi là Não bạt, là nhạc khí họ tự thân vang của dân tộc Việt.
Chũm choẹ làm bằng hợp kim đồng thiếc, gồm hai chiếc giống nhau, hình tròn như chiếc đĩa, có núm để cầm. Khi đánh chũm choẹ, hai tay cầm hai núm, đập hai mặt vào nhau, có lúc đập chéo xuống, chéo lên. Người sử dụng Chũm Choẹ vừa đánh, vừa múa. Âm thanh Chũm Choẹ to, vang, hơi chói tai. Chũm Choẹ được sử dụng trong dàn nhạc cung đình, trong sân khấu tuồng, cải lương, trong đám rước sư tử và tham gia trong dàn nhạc dân tộc tổng hợp hoà tấu

CHÙM MA HÍNH

Là nhạc cụ tự thân vang chi rung lắc, được dùng để điểm nhịp khi người Thái chơi đàn Tính cũng như khi đệm cho múa xoè
Chùm Ma Hính gồm 3 - 5 chiếc làm bằng đồng, đường kính 1,5 - 2,5cm buộc thành chùm. Có nhiệm vụ giữ nhịp trong đội nhạc, khi diễn tấu người ta đeo Chùm Ma Hính vào ngón tay rung theo tiếng nhạc, âm thanh vang lên nghe rộn rã, khoẻ và sáng

CHUÔNG CHÙA

Chuông là nhạc cụ họ tự thân vang, chi gõ của dân tộc Việt. Chuông được làm bằng đồng thau, có đường kính từ 15 - 23cm, chuông có hình giống như cái bát để ngửa. Khi sử dụng người ta cầm một dùi gõ bằng gỗ bọc vải một đầu gõ vào thành chuông tạo ra âm thanh trong trẻo, lảnh lót.
Chuông được sử dụng trong đường thượng chi nhạc, trong dàn nhạc huyền, dàn nhã nhạc hoặc tế lễ trong các đền chùa. Loại chuông Chùa khác lớn hơn thường treo trên giá

ĐÀN T'RƯNG

Đàn T'rưng là một nhạc khí "thô" được chế tác từ những khúc gỗ bóc vỏ phởi khô hoặc những ống nứa vót một đàu, chặt theo những độ dài khác nhau để tạo nên những âm vực ưng ý đem treo lên một cái giá đủ trở thành một cây đàn gõ " phím" cho một hoặc hai người diễn tấu bắng cách cầm những dùi tre gõ vào phím này
Đàn T'rưng thường được diễn tấu bên trong nhà rông hoặc ngoài trời vào các dịp lễ hội truyền thống hay trong sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc người Banah, Jarai, Êđê...
T'rưng có khả năng diễn tấu phong phú và đa dạng. Với nguồn âm thanh bất tận khi êm nhẹ theo giai điệu trữ tình của một khúc hát giao duyên, khi hoà cùng dàn nhạc tấu lên bản hợp tấu của núi rừng hùng vĩ...trong giao lưu văn hoá, T'rưng cũng xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc hiện đại phụ hoạ theo tiếng hát rực lửa của những con người Tây Nguyê, nâng canhs cho những giọng ca vàng vang đến mọi nơi chốn xa xôi.
Là một loại nhạc cụ đặc sắc trong kho tàng nhạc khí của Tây Nguyên, âm thanh độc đáo của T'rưng ko chỉ lôi cuốn làm say đắm tâm hồn các dân tộc anh em trên đất Việt, mà còn ra khỏi biên giới ngân vang đến tận những vùng đất xa xôi và được các bạn bè khắp năm châu, bốn bể nhiệt tình đón nhận

ĐÀN ĐÁ

Nhạc khí tự thân vang, thuộc loại xylophone, metallophone. Mỗi nhạc cụ là một bộ gồm nhiều thanh đá hợp thành. Mỗi thanh đá có kích thước và hình dáng khác nhau, được chế tác bằng phương pháp ghè đẽo thô sơ. Vật liệu để làm đàn là những loại đá sẵn có ở vùng núi Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ
Căn cứ vào bộ đàn tìm được ở di chỉ khảo cổ học Bình Đa ( Đồng Nai ) được biết rằng việc chế tác những thanh đá này đã xuất hiện từ trên dưới 3000 năm trước
Cho tới những năm đầu thập kỉ 90 đã tìm được gần 200 thanh đàn đá rải rác ở các tỉnh Đắc Lắc, Khánh Hoà, Đồng Nai, Ninh Thuận, Sông Bé, Lâm Đồng, Phú Yên. Số lượng thanh ở mỗi tập hợp được phát hiện là 3 - 15. Bộ đầu tiên tìm được tại Ndut Lieng Krak ( Đắc Lắc ) vào năm 1949 hiện được bảo quản tại viện bảo tàng " con người" ở Paris. Nhiều bộ khác đang được bảo quản tại Việt Nam.
Một số dân tộc ở Tây Nguyên coi những thanh đá được phát hiện như những vật thiêng và giữ gìn như của gia bảo. Có tộc dùng chúng trong những lễ hội lớn để cúng thần, có tộc lại dùng làm đàn đá giữ rẫy

ĐAO - ĐAO

Đao - Đao là nhạc cụ họ tự thân vang, chi gõ đập của dân tộc Khơ Mú, một dân tộc sống ở vùng Lai Châu, Sơn La
Đao- đao làm từ một ống nứa dài chứng 1 - 1,2m ( một đầu kín, một đầu hở ), đường kính ống khoảng 3 - 4cm. Ở phần 2/3 ống đàn người ta vát ngược hai bên ống, để lại mỗi phía một mảnh có chiều dài chừng 30cm rồi gọt mỏng bớt phía cật và làm tròn cạnh. Phía ống hơi, gần mấu có khoét 2 lỗ bấm để tạo ra 3 cao độ.
Khi chơi Đao - Đao, tay phải cầm ống, cùng lúc ngón cái và ngón trỏ của tay phải bấm lỗ bấm, rồi gõ ống vào tay trái theo những tiết tấu nhất định. Khi gõ hai mảnh nứa rung lên gây ra tiếng rè rè và tiếng vang rất nhỏ ở ống hơi
Người Khơ Mú dùng Đao - đao tạo nhịp điệu cho múa, cho hát.
Có thể nói Đao - Đao là nhạc cụ linh hồn trong sinh hoạt múa hát đời thường và trong sinh hoạt nghi lễ của người Khơ Mú

LUỐNG

Luống - hay còn gọi là Khua Luống, là cái cối đập lúa và giã gạo của dân tộc Thái. Nó cũng là nhạc cụ dùng để độc tấu và đệm cho hát trong sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Được xếp vào họ tự thân vang, chi gõ
Luống được làm bằng gỗ, thân hình thuyền dài 224cm, rộng 40cm. Để biểu diễn luống cần có 7 người con gái ( gồm 6 con 1 cái ), mỗi người cầm một chiếc chày bằng gỗ dài khoảng trên 100cm gõ vào thành luống thành những tiết tấu vui nhộn

Mõ được xếp là một nhạc khí tự thân vang, phổ biến ở Việt Nam. Trên thực tế Mõ được sử dụng vào các môi trường khác nhau và có những chức năng khác nhau

Mõ Chùa

Mõ Sừng trâu

MÕ CHÙA làm từ các loại gỗ chắc, cứng, hình dạng thường gặp hình cầu dẹt với nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau: Cỡ to nhất có đường kính khoảng 70 - 80cm, cỡ vừa đường kính 20 - 30cm và cỡ nhỏ đường kính 5 - 7cm. Tất cả ở giữa đều rỗng, khoét theo hình lòng máng. Dùi gõ mõ cũng làm bằng gỗ, kích cỡ của dùi to nhỏ tương xứng với kích cỡ của mõ. Âm thanh của mõ gỗ giòn, âm vang sâu lắng. Trong chùa, mõ được sử dụng khi tụng kinh với vai trò điểm nhịp đều theo lời tụng
MÕ TRÂU được làm bằng gỗ hoặc gốc tre già hình hộp đứng. Mặt đáy khoét rỗng thông với mặt trên. Mặt đáy hình chữ nhật với chiều dài từ 20 - 25cm, chiều rộng từ 10 - 15cm. Mặt trên hình chữ nhật với chiều dài dài hơn chiều dài của mõ và ở giữa buộc 2 đoạn gỗ dài hơn chiều cao của mõ khoảng 1cm. Người ta buộc mõ vào cổ trâu. Khi trâu chuyển động, đi lại, 2 đoạn gỗ gõ đều đặn vào thành trong của mõ phát ra âm thanh nghe lách cách vui tai.
MÕ LÀNG
Mõ là nhạc cụ họ tự thân vang, chi gõ của dân tộc Việt. Mõ làm bằng củ tre đực, hình bán nguyệt, có khoét một đường rỗng ở giữa.Khi sử dụng, một tay để mõ nằm trong lòng bàn tay, một tay cầm dùi gõ lên thân mõ. Âm sắc của Mõ trầm, ấm
Mõ thường được sử dụng để đánh nhịp một, giữ nhịp cho người hát hay đàn. Và mõ có thể đánh dồn nhanh trong thi nhịp, đổ khổ gây không khí. Có loại làm bằng gỗ cứng hình cá trắm dài khoảng 1m, to, khoét dài rỗng theo bụng cá và thường treo ở điếm làng. Có loại làm bằng gốc tre già gọt theo hình trăng khuyết, đường kính từ 15 - 20cm, ở giữa có khoét một rạch rỗng. Trong đời sống nông thôn người Việt xưa, mõ có chức năng thông tin. Mõ được làng giao cho một người đàn ông phụ trách, thường được gọi là " thằng mõ", hay " anh mõ". Vào những dịp có việc làng hoặc những sự kiện đột xuất cần thông báo " anh mõ" có nhiệm vụ gõ mõ thông tin cho khắp các gia đình trong làng
MÕ SỪNG TRÂU
Là nhạc cụ họ tự thân vang, chi gõ của dân tộc Việt. Được làm bằng một đoạn sừng trâu dày, dài 12cm. Người ta phải chọn loại sừng hình cong tiếng mới đẹp và vang. Khi diễn tấu nhạc công một tay cầm mõ, còn một tay cầm dùi gõ vào thân mõ. Âm thanh của mõ sừng trâu to, khoẻ, vang. Mõ tham gia trong dàn nhạc tuồng, dàn nhạc lễ, dàn đại nhạc của cung đình, hoặc hoà tấu cùng tù và, ngà voi, vỏ ốc biển....

RÔNEATHUNG

Được xếp vào nhạc cụ họ tự thân vang, chi gõ của người Kh'mer. Rôneathung làm bằng gỗ hoặc tre cứng với độ dày mỏng, dài ngắn khác nhau trông giống như một chiếc thuyền, nên còn được gọi bằng một tên khác là đàn thuyền
Gồm 17 thanh gỗ dài từ 31 - 42cm, rộng 6cm. Các thanh gỗ này được xâu bằng 2 sợi dây rồi treo trên giá. Giá đàn làm từ gỗ dài 120cm, rộng 16cm đồng thời làm bầu cộng hưởng. Khi diễn tấu, đàn được sử dụng bằng 2 chiếc dùi gỗ có mấu trong ở đầu
Rôneathung được sắp xếp theo thang âm 7 cung chia đều. Tiếng Rôneathung trầm, to, vang khoẻ. Dùng cho nam giới diễn tấu trong dàn nhạc dân tộc Kh'mer Nam Bộ, dùng trong hát, múa và ca múa kịch dân tộc hay trong dàn ngũ âm

SÊNH TIỀN

Sênh tiền hay còn gọi là Phách xâu tiền là nhạc cụ thuộc họ tự thân vang, chi gõ đập của dân tộc Việt
Sênh Tiền là một cặp phách hai lá bằng gỗ cứng. Lá phách thứ nhất gọi là " lá phách kép", lá phách thứ hai gọi là " lá phách đơn". Lá phách kép gồm hai thanh gỗ một dài ( 25cm ), một ngắn ( 11cm ) được gắn úp vào nhau bằng một miếng da hay một bản lề. Phía đầu thanh dài có gắn các cọc tiền chinh. Lá phách đơn dài 25cm có các đường răng cưa ở cạnh và ở mặt lá phách
Khi đánh phách, tay trái cầm lá phách kép, tay phải cầm lá phách đơn vừa đập, vừa rung, vừa quẹt tạo ra các tiết tấu nghe rất rộn ràng, Sênh tiền chủ yếu dùng đệm nhịp điệu ở các dàn nhạc tế, lễ, dàn đại nhạc cung đình và nhạc múa cổ truyền

SONG LOAN

Song loan, nhạc cụ họ tự thân vang chi gõ của dân tộc Việt. Là một loại mõ nhỏ bằng gỗ cứng hình tròn dẹt, đường kính 7cm, cao 4cm, có gắng một dùi gõ, Khi sử dụng Song Loan, người ta dùng tay hoặc chân đập vào dùi gõ, dùi gõ đập vào Song Loan tạo ra âm thành. Âm thanh Song Loan nghe đanh gọn. Song Loan được sử dụng để cầm nhịp trong ca đàn Tài Tử Nam Bộ, trong dàn nhạc Sân Khấu Cải Lương và trong Ca Huế

SÊNH SỨA (CẶP KÈ)

Sênh sứa, hay Cặp kè là nhạc cụ họ Tự thân vang do người Việt chế tác. Là một nhạc cụ đặc trưng dùng trong hát Xẩm, Sênh sứa gồm hai miếng tre giống như hình chiếc lá, chiều dài khoảng 14cm, chiều ngang đoạn giữa khoảng 5cm, bề cật tre là lưng, bề ruột tre là mặt. Thanh âm trong, dòn, có những tiếng rung rất đặc trưng. Khi diễn tấu nghệ nhân hát Xẩm cầm đôi Sênh sứa trong lòng bàn tay, hai mặt lưng ấp vào nhau, thường được sử dụng hai đôi, cầm ở hai tay, với bàn tay điêu luyện, lúc mở lúc nắm vào, lúc rung các ngón tay, lúc tay này nắm tay kia mở, lưng cặp kè gõ vào nhau, tạo nên tiết tấu và hiệu quả âm thanh vui tươi hấp dẫn.

THANH LA

Thanh La là tên gọi một nhạc cụ thuộc họ tự thân vang, chi gõ của dân tộc Việt. Ở miền Nam gọi là Đẩu, miền Trung gọi là Tang
Được làm bằng hợp kim đồng thiếc có pha chì, hình tròn. Thanh La có nhiều cỡ to, nhỏ khác nhau, đường kính 15 - 25cm, mặt hơi phồng, xung quanh có thành cao 4cm. Ở cạnh Thanh la người ta dùi hai lỗ thủng để xỏ một sợi dây quai. Khi diễn tấu nhạc công cầm dây quai giơ lên, còn một tay cầm dùi gõ vào mặt thau tạo ra tiếng vang, trong trẻo
Thanh La được sử dụng trong dàn đại nhạc, dàn nhạc lễ miền Nam, trong ban nhạc chèo, chầu văn và dàn nhạc dân tộc tổng hợp

TIU CẢNH

Là nhạc khí tự thân vang của dân tộc Việt, gồm 2 chiếc Thanh La cỡ nhỏ làm bằng đồng thau, đường kính khoảng 10cm, một chiếc thành thấp, một chiếc thành cao, với hai âm cao thấp cách nhau quãng năm đúng. Tiu Cảnh được treo trong hai vòng tròn của một chiếc khung có tay cầm bằng gỗ. Nếu ba chiếc treo trong ba khung thì gọi là Tam âm. Khi biểu diễn, nhạc công tay trái cầm Tiu, tay phải cầm que tre có mấu gõ vào mặt thau tạo ra âm thành cao, vang, lảnh lót. Tiu Cảnh tham gia trong ban nhạc chầu văn, dàn bát âm, ban nhạc cúng lễ

TRỐNG ĐỒNG

Là nhạc khí tự thân vang, chi gõ của dân tộc Việt. Trống Đồng được đúc bằng đồng cả vành và tang trống. Theo phân loại của F.Heger, Trống Đồng có 4 loại chính:

LOẠI 1: là loại Trống Đồng lớn, cổ xưa nhất. Ngôi sao ở giữa mặt trống thường có 12 cánh. Một số trống có tượng cóc ở mép mặt trống.Thân trống phần trên phình ra, phần giữa thắt lại và phần dưới choãi ra, có 4 quai

LOẠI 2: có cả loại lớn và vừa. Ngôi sao ở giữa mặt trống thường có 8 cánh. Mặt trống chờm ra khỏi tang. Rìa mặt trống có từ 4 - 8 tượng cóc, có 2 quai, trang trí hoa văn hình hoa lá đối xứng hoặc hình học.

LOẠI 3: Thường là loại vừa và nhỏ. Ngôi sao có 12 cánh hoặc 8 cánh, có 4 tượng cóc ở mép trống, thân trống phần trên và dưới hình viên trụ, phần giữa thon lại, quai nhỏ

LOẠI 4: Đường kính mặt trống thường có kích thước trung bình 50cm, cao 45 - 50cm. Mặt trống phủ vừa sát đến thành thân trống, ngôi sao ở giữa mặt trống 12 cánh. Thân trống chia ra 2 phần. Phần trên phình ra đỡ lấy mặt trống, phần dưới hình viên trụ tròn có 4 quai. Hoa văn trang trí hình động vật: Rồng, khỉ, ko có tượng cóc trên rìa mặt trống. Trống được đúc bằng hợp kim đồng, nhưng tiếng ko trong ko vang xa như trống đồng loại 1
Trống Đồng được gõ bằng dùi có mấu hoặc bọc vải da. Người đánh trống tay phải cầm dùi đánh vào mặt trống, tay trái cầm một thanh tre gõ vào tang trống tạo ra rất nhiều âm sắc khác nhau:
- Khi đánh vào núm giữa ( được đúc dầy hơn ) âm thanh nghe có cảm giác trầm hơn so với vị trí khác
- Đánh vào vành hoa văn cho cảm giác trong, vang
- Khi đánh vào các con cóc, âm thanh phát ra sắc, gọ, ngắn
Âm thanh Trống Đồng vang, khoẻ, hùng tráng. Trống Đồng được sử dụng trong Đường thượng chi nhạc ( thời Hậu Lê ) trong dàn Nhã nhạc thế kỉ XV, XVI và trong dàn nhạc lễ thế kỉ XVIII. Hiện nay chỉ còn thấy trong đời sống văn hoá các dân tộc Khơ Mú, Lô lô và dân tộc Mường thường sử dụng Trống Đồng với tư cách là một nhạc cụ trong tang lễ. Trống Đồng là một hiện vật văn hoá tiêu biểu mà cha ông ta đã để lại. Là một nhạc khí quan trọng trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam

ƯNG QUÁI

Ưng Quái là tên gọi của dân tộc Cơ Tu, Pako hiện sinh sống ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế để chỉ nhạc cụ này. Là nhạc cụ khá độc đáo và phổ biến trong sinh hoạt âm nhạc của dân tộc Cơ Tu và nhiều dân tộc khác ở Việt Nam. Mỗi dân tộc đều có tên gọi riêng cho nhạc cụ này như: Người Thái ( phía Bắc ) gọi là " Hưng Toóng", người Mường là " Páng Tơ Ính" hay người Việt gọi là " Đàn Môi"...
Ưng Quái làm bằng đồng dát mỏng hình lá tre dài khoảng 8cm, người ta đục thủng 2 đường theo hai cạnh của một hình tam giác cân để làm một lưỡi gà sao cho lưỡi gà này có thể rung tự do được. (Nếu làm bằng tre thì gọi là Ânkrao - Theo Vĩnh Phúc http://vinhphucms.net.tf
Có nhiều ý kiến cho rằng " Ưng Quái" có thể xếp vào họ hơi, hay họ dây. Lại có ý kiến cho rằng nên xếp nhạc cụ này vào họ tự thân vang. Căn cứ vào nguồn phát âm của nhạc cụ, ta thấy khi chơi đàn, người chơi cầm đàn cho 2 môi giữ chặt lấy 2 cạnh của đàn. Tay trái giữ đàn, tay kia dùng ngón trỏ bật vào đàn. Chấn động rung sẽ thay đổi khẩu hình để tạo ra những âm bồi khác nhau. Cũng có dân tộc dùng dây buộc vào lá đồng, lấy ngón tay gẩy tạo ra âm thanh. Vì thế xếp nhạc cụ này vào họ tự thân vang là hợp lí.
Âm sắc của Ưng Quái đặc biệt, huyền ảo, thì thầm hơi có tiếng rè. Ưng Quái rất thích hợp trong ko gian yên tĩnh, trữ tình cho thanh niên nam nữ tâm tình, Trong đêm khuya, tiếng đàn vang lên đối đáp nhau thể hiện tình cảm một cách tế nhị, nên người Cơ Tu luôn coi Ưng Quái là một người bạn ko thể thiếu trong cuộc sống của họ

Ưng Quái - nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do, là nhạc cụ độc tấu dùng trong sinh hoạt thường ngày của dân tộc Cơ Tu
Ưng Quái được làm bằng một mảnh đồng dát mỏng hình chiếc lá tre dài 8cm, ở giữa mảnh đồng người ta cắt rời hai đường chéo tạo thành một hình tam giác ( cạnh đáy vẫn dính vào thân đàn ) làm lưỡi gà. Khi sử dụng người chơi đàn đặt hờ đàn vào giữa hai môi, dùng ngón tay bật vào đầu đàn làm rung bộ phận tam giác tạo ra các âm thanh vang lên trong khoang miệng.

TRỐNG QUÂN

Trống Quân - hay trống đất được sử dụng trong một lối hát giao duyên ở đồng bằng Bắc Bộ, thường được tổ chức vào ban đêm, dưới trăng thu, trong lúc hội hè để phô diễn tài nghệ đối đáp và trao đổi tâm tình. Trống được tạo bằng cách đào một hố đất hình vuông, đậy kín bằng mmột tám ván, chính giữa cắm một chiếc cọc. Đầu trên của chiếc cọc được căng một sợi dây, hai đầu dây gắn chặt xuống đất. Khi hát hết một câu, người hát lấy que đập vào dây, tạo nên một dao động truyền qua cọc xuống mảnh ván làm rung ván. Cột không khí chứa trong hố dao động, tạo ra âm thanh "thùng, thình" vang động rất xa. Ảnh trên là có sự cải tiến bằng một cái thùng gỗ.

 

 

Tham khảo online:

Tự thân vang

Hơi

Màng rung

Dây

 

Đầu trang 

                                                                           Trở về đầu trang

 

 

 

© Âm nhạc cổ truyền Việt Nam

 - Email: vinphuc@gmail.com - Design by vinhphucnet

 

Free Web Hosting