Các vùng Văn hóa
 

DÀN NHẠC CỔ TRUYỀN CHUYÊN NGHIỆP

 

DÀN NHẠC CA TRÙ

 

Ả Đào - Ca trù - là một loại hình nghệ thuật cổ truyền chuyên nghiệp hình thành từ thời Lý (1010 -1225), thịnh hành ở các triều Lê (1533 -1788) và rất phát triển ở miền Bắc Việt Nam vào thời Nguyễn (1778 - 1945).

Dàn nhạc gồm ba nhạc cụ: thứ nhất cỗ phách 3 lá - nhạc cụ được coi như xương sống của lối hát do chính người hát sử dụng, góp phần tạo nên tính nhất quán bởi sự nhắc lại của các khổ phách; thứ hai đàn đáy - loại đàn gẩy độc đáo của Việt Nam giữ chức năng đệm, phối hợp với giọng hát và tiết tấu phách một cách hài hòa, nhuần nhuyễn; thứ ba Trống chầu - loại trống nhỏ do một người có trình độ thẩm mỹ cao về văn thơ, âm nhạc và có óc sáng tạo linh hoạt dùng để chấm ngắt câu văn và khen chê giọng hát, tiếng đàn.

 

DÀN NHẠC THÍNH PHÒNG HUẾ

Xứ Huế - Kinh đô của Việt Nam suốt hơn 150 năm. Ngày nay, bên cạnh những kiến trúc, đền đài, lăng tẩm độc đáo, hiển hiện hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng của sông Hương, núi Ngự, xứ Huế còn lưu lại một loại hình ca nhạc đặc trưng cho vùng đất cố đô này. Đó là Ca nhạc Thính Phòng Huế thường được gọi là Ca Huế với hình thức âm nhạc bao gồm cả nhạc hát và nhạc đàn.

Ca nhạc Huế có một lịch sử lâu đời. Nhưng cho đến ngày nay chưa có tư liệu đích xác nào nêu rõ được thời điểm ra đời, ai đã tổ chức và sáng tác những bản nhạc đàn Huế. Đến thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn đã thống nhất giang sơn, thực hiện trị quốc an dân, cũng là lúc ca nhạc Huế có điều kiện phát triển. Các nhạc công là những người rất giỏi đàn chơi trong đội nhạc ngự ở triều đình. Ngoài những công việc trong triều, họ cùng với học trò của mình lập nên những nhạc mục và dựa vào các ngón đàn của nhạc triều để sáng tác những bản hòa tấu và độc tấu. Âm nhạc của họ được các ông hoàng, bà chúa và các quan trong triều rất yêu thích. Nên các ông hoàng bà chúa thường xuyên mời ban nhạc đến tư dinh để dạy đàn, đồng thời cùng nhau đàn hát, thưởng thức âm nhạc. Vào đầu thế kỷ XX, ca nhạc Huế đã phát triển cực thịnh, nhưng từ sau năm 1945 đã dần dần bị mai một. Ngày nay ca nhạc Huế trở thành di sản âm nhạc quí giá, được nhà nước bảo tồn và tạo điều kiện khôi phục lại.

Dàn nhạc Thính phòng Huế sử dụng các nhạc cụ: Nguyệt, Nhị, Tranh, Tỳ Bà, Bầu, Sáo với nhiều hình thức hòa tấu và đệm cho hát. Những hình thức thường gặp hiện nay là:

- Hoà tấu song thanh của 2 nhạc cụ: Tranh, Nguyệt; Tranh, Bầu; Nhị, Bầu; Nhị, Tỳ Bà hoặc Bầu, Nguyệt.

- Hoà tấu tam thanh của 3 nhạc cụ: Nguyệt, Nhị, Tranh; Bầu, Nhị, Tranh hoặc Tỳ Bà, Nguyệt, Tranh.

- Hòa tấu tứ tuyệt của 4 nhạc cụ: Bầu, Nhị, Tranh, Nguyệt hoặc Nhị, Tỳ Bà, Nguyệt, Sáo.

- Hoà tấu ngũ tuyệt của 5 nhạc cụ: Nhị, Nguyệt, Tranh, Tỳ bà, Sáo.

Đặc biệt khi đệm cho hát, người hát thường có 1 đôi phách nhỏ để gõ nhịp. Tiếng phách vang lên hòa với dàn nhạc càng tạo ra âm hưởng độc đáo cho ca Huế

DÀN NHẠC THÍNH PHÒNG TÀI TỬ NAM BỘ

Các nhạc khí trong Dàn nhạc Tài tử Nam Bộ:

Ðàn Kìm (Nguyệt): với hai dây tơ và 8 phím, nghệ nhân Ðàn Kìm ngồi trông ngay ra sân khấu, giữ nhịp Song lang và thường là người điều khiển dàn nhạc, tiếng Ðàn Kìm không thanh như tiếng Tranh nhưng khi hòa cùng với tiếng Tranh có âm hưởng nghe rất hay. Tùy hơi cao thấp của diễn viên, Ðàn Kìm có thể đàn 5 dây Hò như sau: hò nhứt ăn vào bậc thứ nhứt dây Tiếu, hò nhì ăn vào bậc chữ Xự dây Tiếu, hò ba ăn vào bậc chữ Xang, hò tư thường gọi là dây Chinh ăn vào bậc chữ Xê, hò năm ăn vào bậc chữ Cống dây Tiếu.

Ðàn Tranh: (thập lục) với 16 dây kim khí, tiếng thanh tao với ngón nhấn, ngân... cũng như Ðàn Kìm, Ðàn Tranh có thể đổi bậc dây Hò tùy hơi cao thấp của diễn viên. Ðàn Tranh có nhiều dây nên được 3 thang âm: thượng, trung, hạ, có tiếng song thinh nghe rất dịu.

Ðàn Cò (Nhị): không có phím, với hai dây tơ,  cung vĩ. Ðàn Cò (Nhị) là nhạc khí đắc dụng nhất luôn luôn có mặt hầu hết các Dàn nhạc như Cải Lương, Hát Bội, Chèo, nhạc Tài Tử, Nhạc Lễ...

Ðàn Sến: với hai dây tơ, đặc điểm đàn ít nhấn.

Ðàn Ghi-Ta Việt Nam: tiếng thanh như Ðàn Tranh, Ghi-Ta đàn bài Vọng cổ và Bài Oán nghe rất hay, nhưng đàn Bài Bắc và Nam không hay bằng Ðàn Kìm.

Đôi khi bổ sung thêm Ðàn Violon: với 4 dây, cung kéo như Ðàn Cò, Ðàn Violon cùng với Tranh và Ghi-Ta Việt Nam để đàn Vọng Cổ nghe rất hay.

Trong Cải lương còn dùng thêm Sáo hoặc Tiêu, nhưng với một bậc Hò, không thay đổi như các đàn khác.

 

DÀN NHẠC CUNG ĐÌNH

Dàn Đại nhạc và Tiểu nhạc Cung đình Huế xưa

Đại nhạc là dàn nhạc có quy mô lớn của dân tộc Việt, chỉ được dùng khi có sự hiện diện của Vua trong các Đại lễ: lễ Đại triều, lễ Vạn thọ (sinh nhật Vua), lễ tế Nam giao (khi vua vào bái vị), lễ tiếp sứ thần nước ngoài... và lễ tế có tính quốc gia trọng đại: lễ tế Giao (tế Trời, Đất), lễ Tịch điền (lúc nhà Vua tự mình cày ruộng)...
Biên chế dàn Đại nhạc (Cổ xúy - Trống kèn) gồm:
20 trống lớn; 8 kèn; 4 tù và bằng sừng trâu; 2 tù và bằng vỏ ốc biển. Với âm lượng lớn, mạnh mẽ của bộ gõ và bộ hơi cùng quy mô biên chế đồ sộ của dàn nhạc đủ để tạo sự tôn nghiêm, trang trọng trong các nghi lễ cung đình.

Dàn Tiểu nhạc và Đại nhạc  hiện nay. VP

Dàn Tiểu nhạc (Ty trúc) Gồm các nhạc khí dây và sáo như đàn Tam, Tỳ bà, Nhị, Nguyệt, Sáo trúc và nhạc cụ gõ như sinh tiền, Tam âm...

Dàn nhạc Huyền xuất hiện vào năm Minh mạng thứ 19 (1838), dàn nhạc huyền thường được sử dụng trong tế lễ như: Lễ Thánh Thọ, Vạn Thọ, Thiên Xuân, tế Nam Giao (lúc nhà vua mới xuất hiện, bước lên đàn). Biên chế dàn nhạc gồm: 1 khánh lớn, 1 biên khánh (gồm 12 khánh nhỏ), 1 bác chung (chuông lớn), 1 biên chung (gồm 12 chuông nhỏ), 1 trống lớn, 1 trống nhỏ, 1 cái phục phụ (trống hai mặt da), 1 cái chúc, 1 cái ngữ, 2 cái phách, 2 đàn cầm, 2 đàn sắt, 2 tiêu, 2 địch (sáo ngang), 2 huân (1 nhã huân và 1 tụng huân), 2 trì, 2 sinh (nhạc cụ thổi).

 

DÀN NHẠC TUỒNG

Dàn nhạc Tuồng là dàn nhạc của sân khấu Tuồng - một hình thức sân khấu truyền thống cung đinh Việt Nam. Sân khấu Tuồng có cội nguồn từ sân khấu Hý Kịch Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam năm Thiện Bảo (1279 - 1284) thời nhà Trần và dần được Việt Nam hóa các hình thức nghệ thuật từ biểu diễn, ca hát đến dàn nhạc để trở thành sân khấu cổ truyền Việt Nam với các sáng tạo mang tính bản địa.
Sân khấu Tuồng với các vở diễn bi kịch bạo liệt thể hiện các vai hùng của tư tưởng trung quân, vì vậy các hình thức nghệ thuật phục vụ nó phải phù hợp với tính căng thẳng và bạo liệt. Chính vì vậy dàn nhạc Tuồng là một tập hợp các nhạc cụ có âm thanh thể hiện được nhiều cường độ lớn nhỏ khác nhau. Dàn nhạc ấy bao gồm các nhạc cụ sau đây:
3 kèn dăm (cao, trung, trầm) gọi là kèn bóp, 2 nhị, 1 hồ tiểu, 1 trống cái, 1 trống chiến, 1 thanh la, 1 não bạt, 1 chuông và 1 mõ.
Có 3 nhạc cụ trong 12 nhạc cụ kể trên được coi là chủ đạo, là tính cách của sân khấu Tuồng là
kèn bóp, nhị và trống chiến. Trống chiến là linh hồn âm nhạc của sân khấu Tuồng.

 

DÀN NHẠC XẨM

Hát Xẩm là hình thức hát rong có địa bàn hoạt động khắp cả nước. Nhưng chỉ trong hát Xẩm cổ vùng đồng bằng Bắc bộ mới có làn điệu riêng. Khi biểu diễn, người hát Xẩm thường vừa hát vừa đánh đàn bầu (còn gọi là đàn Xẩm) hoặc kéo nhị, phối hợp với người đánh sênh, vỗ trống mảnh - đây là những nhạc cụ thường sử dụng trong dàn nhạc Xẩm. Đôi khi có thêm cả trống đế, mõ hoặc một số nhạc cụ khác.

 
Theo Viện Âm nhạc: http://www.vienamnhac.vn và Nhạc khí dân tộc Việt của Võ Thanh Tùng. Nxb Âm nhạc - 2000).

Dàn nhạc Cổ truyền dân gian

 
  Facebook: www.facebook.com/cotruyen.nhac


                                                              Trở về đầu trang

 

 

© Âm nhạc cổ truyền Việt Nam

 - Email: vinphuc@gmail.com - Design by vinhphucnet

Free Web Hosting