|
HỌ
HƠI
(Aerophone) |
ALA
|
|
|
Bahnar là một dân tộc lớn ở Tây Nguyên, cư
trú tập trung ở hai tỉnh Gia Lai và KonTum, có số dân đứng thứ 3 sau các
dân tộc Giarai và Êđê. Người Bahnar rất yêu âm nhạc và nhảy múa. Trong
nhiều nhạc cụ còn dùng trong sinh hoạt thì sáo Ala rất được yêu thích.
Sáo Ala là nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà. Thân sáo Ala là một ống nứa
dài khoảng từ 30 - 40 cm, đường kính khoảng 1,5 cm, thông hai đầu. ở gần
đầu ống có một lỗ hình chữ nhật dài khoảng 4 cm, rộng xấp xỉ 1,5 cm đó là
nơi đặt lưỡi gà, lưỡi gà làm bằng tre. Theo cuốn "Nhạc khí truyền thống
Việt Nam" của tác giả Lê Huy thì lưỡi gà còn được làm bằng đồng. Chỗ đặt
lưỡi gà là miếng thổi đắp bằng sáp ong hoặc nhựa cây cao hơn mặt ống 2 cm.
Sáo Ala có 3 lỗ bấm. Khi thổi người ta ngậm toàn bộ miếng thổi, hơi từ
miệng thổi ra sẽ làm rung lưỡi gà, làm chuyển động cột không khí trong ống
và thoát ra âm thanh. Người ta dùng ngón trỏ, giữa, ngón áp út của bàn tay
phải bịt, mở các lỗ bấm cùng với ngón cái ở bàn tay trái bịt một phần đầu
ống tạo âm vuốt lướt cho các giai điệu bài sáo. Sau đây là hàng âm
sáo ALa : Đô2 - Rê2 - Fa#2 - Sol2 - Đô2 Theo tác giả
Đào Huy Quyền
(Cuốn nhạc khí dân tộc Giarai và Bahnar) nếu biết cách thổi sẽ được một âm
trầm thấp hơn nốt trầm nhất là C (đô) một quãng 8. ở giữa 2 âm này là một
khoảng trống. Theo ông hàng âm có được là: Đô - Đô1 - Rê1 - Fa#1 - Sol1 -
La1. Tiếng sáo Ala ấm áp, mơ màng khi thực khi ảo nghe rất hấp dẫn.
Vào những lúc nghỉ ngơi, sau một ngày lao động vất vả, Ala là tiếng nói
tâm tình, cởi mở của các chàng trai Bahnar. Và cũng chỉ có các chàng trai
ấy mới được quyền thổi cây sáo quyến rũ này.
|
|
ARENG |
|
Là nhạc cụ họ hơi chi lưỡi gà rung tự do của dân tộc Tà ôi,
dân tộc hiện đang cư trú ở huyện Alưới tỉnh Thừa Thiên Huế
và Tây Quảng Trị. Areng được làm
bằng một ống nứa nhỏ, thông suốt 2 đầu, dài khoảng 36 cm, đường kính 0,5
cm. ở một đầu người ta tách ra một lam nứa dài khoảng 2 cm từ chính thân
sáo để thổi. Phía đầu còn lại khoét 2 lỗ nhỏ cách nhau 3 cm để làm lỗ bấm.
Areng khi diễn tấu có thể ngồi hoặc quỳ, do một người nam giới
thổi và người nữ ở đầu kia dùng miệng làm bầu cộng hưởng. Âm thanh Areng
trầm, rè, đục, vang, hay được sử dụng trong giao duyên, tạo nên nét hấp
dẫn trong sinh hoạt văn hóa của người Tà ôi.
|
BẲNG BU |
|
Bẳng bu là nhạc cụ họ hơi, chi dỗ, rập, không định âm của
người Thái và một số cư dân sống ở vùng Tây bắc Việt Nam. Bẳng bu được
làm bằng tre. Đó là những ống tre rỗng hai đầu, đường kính khoảng 8 - 10
cm và chiều dài 40 - 80 cm. ở một vài nơi người ta dùng ống có mấu kín ở
một đầu. Các ống dài ngắn khác nhau để tạo ra những âm thanh cao thấp khác
nhau, tuy nhiên người chế tác không được quan tâm đến độ cao xác định.
Bẳng bu là nhạc khí của nữ giới (ngày nay cả nam giới cũng chơi). Khi
chơi, mỗi cô gái hai tay cầm hai ống dỗ, rập một đầu ống xuống tấm ván hay
sàn nhà. Nếu ống có một đầu mấu thì dỗ đầu mấu xuống. Âm thanh sẽ tạo ra
mô hình nhịp điệu, tiết tấu ứng với các động tác và các bước chuyển động
của đội hình múa. Bẳng bu thường được diễn tấu trong nghi lễ nông
nghiệp, đệm cho điệu múa của ông Mo (ví dụ: Lễ “Xên lẩu nó” - Mừng mùa
măng mọc). Các lễ này có nội dung phồn thực, cầu cho người yên vật thịnh,
mùa màng tốt tươi. |
BỈ ĐÔI |
|
Là nhạc cụ họ hơi chi dăm kép của dân tộc Mường. Bỉ Đôi
gồm hai ống nứa hoặc trúc ghép vào nhau, dài 27,5 cm, đường kính 0,5 cm.
Trên thân ống khoét 7 lỗ bấm trên, 1 lỗ bấm dưới. Khi thổi hai ống phát ra
đồng âm. Bỉ Đôi là nhạc cụ dùng trong tang ma, cúng lễ và trong sinh hoạt
đời thường. |
|
ĐINH BUỐT |
|
Đing Buốt là tên gọi một nhạc cụ của người Êđê. Đing Buốt
được làm bằng một ống nứa nhỏ thông suốt 2 đầu, có chiều dài từ 47 - 57
cm, đường kính 2,2 cm. Đing Buốt có 5 lỗ, 4 lỗ phía dưới để bấm và một lỗ
ở cạnh đầu thổi là lỗ thoát hơi. Các lỗ bấm này cách nhau 4,5 cm. ở đầu
thổi buộc một miếng tre nhỏ làm dăm thổi, dài 2 cm hình chữ nhật để người
thổi ngậm vào thổi. Đing Buốt là nhạc cụ chi hơi vòm (sáo thổi dọc).
Đing Buốt có khả năng diễn tấu nhanh, linh hoạt với kỹ thuật đánh lưỡi,
rung, luyến, láy, vượt, trượt nốt. Âm sắc của Đing Buốt trong trẻo trữ
tình. Đing Buốt là nhạc cụ ưa thích của thanh niên Êđê, họ thường thổi
trên nương rẫy, khi vui chơi. |
|
ĐINH JƠNG (ĐINH TÉC) |
|
Là nhạc cụ họ hơi, chi hơi lùa của dân tộc Gia Rai.
Đing
jơng gồm 13 ống nứa (hai đầu thông nhau) dài từ 23 - 119 cm, đường kính
1,9 cm. Các ống nứa được bó lại với nhau thành 3 hàng xắp xếp theo thứ tự
từ ngắn đến dài. Là nhạc cụ dành cho nữ giới. Âm thanh Đing jơng nghe mờ
ảo, thì thầm, nhè nhẹ như gió thoảng bởi cách đẩy hơi lướt trên các miệng
ống.
|
ĐINH NĂM |
|
Đing Năm là tên gọi một loại nhạc cụ rất quen thuộc của đồng
bào Tây Nguyên. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên đều có tên gọi khác nhau ví dụ:
Dân tộc M’nông gọi là M’buốt, dân tộc Raglay gọi là Ku Puốt, còn người Êđê
gọi nó bằng tên đơn giản là Đing Năm. Đing Năm được xếp vào họ hơi,
chi lưỡi gà rung tự do. Được chế tạo bằng 1 quả bầu khô và 6 ống nứa có
chiều dài từ 50 - 96 cm, đường kính khoảng 2,6 cm. 6 ống nứa này cắm xuyên
qua quả bầu và được trát bằng sáp ong. Phần núm của quả bầu được uốn cong
từ khi còn non để làm đầu thổi và bên trong quả bầu đặt 1 dăm tre nằm ở
phần nứa của quả bầu. Là nhạc cụ hơi đa thanh, âm vực một quãng 8,
hàng âm của Đing Năm cũng dựa trên hàng âm của dàn chiêng Êđê. Âm sắc
của Đing Năm vang, khỏe, mênh mang. Hàng âm của Đing Năm: Đo1 -
Re1 - Mi1 - Sol1 - La1 - Si1 Khi diễn tấu, người chơi ở tư thế
đứng, tay trái đảm nhiệm lỗ bấm hàng trên, tay phải đảm nhiệm lỗ bấm hàng
dưới. Miệng ngậm vào núm quả bầu và thổi vào 1 luồng hơi hoặc hút hơi làm
rung lưỡi gà. Đing Năm dành cho nam giới sử dụng trong ngày lễ. Trong
ngày thường thanh niên Êđê cũng rất ưa chuộng Đing Năm, họ hay thổi Đing
Năm trên nương, rẫy hoặc đệm cho hát Aray.
|
ĐINH TÁC TA |
|
Đing Tác Ta, tên gọi một loại nhạc cụ khá phổ biến của dân
tộc Êđê. Được xếp vào nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do. Đing Tác Ta
được chế tác bằng một thân nứa dài 42 cm, đường kính 2 cm. ống nứa này cắm
xuyên qua một vỏ quả bầu khô. Phần nứa trong lòng quả bầu có đặt một lưỡi
gà bằng tre. Sáo có 3 lỗ bấm, 2 lỗ bấm trên cách nhau 5 cm và một lỗ bấm
dưới. Khi thổi miệng ngậm vào núm quả bầu, ngón cái tay phải bấm một
đầu nứa (phần nứa ngắn). Còn các ngón tay cái, trỏ, giữa của tay phải bấm
vào 3 lỗ trên thân sáo (phần nứa dài), có thể thể hiện được nhiều kỹ thuật
như: đánh lưỡi, rung, láy tiếng v,v... Đing Tác Ta có âm lượng khá lớn, âm
sắc ngọt, trong, khoẻ và vang. Người ta hay sử dụng Đinh Tác Ta trên
nương rẫy, lúc đi đường, hay trong sinh hoạt giao duyên. |
|
ĐINH
TÚT |
|
Đing tút là nhạc cụ họ hơi, chi vòm của dân tộc Êđê.
Đing tút gồm 6 ống nứa (một đầu kín) dài 21 - 36,5 cm, đường kính 1,8
- 2,5 cm. Là nhạc cụ chỉ dành cho nữ giới sử dụng để hòa tấu trong nghi lễ
phong tục. Khi chơi Đing tút, 6 cô gái mỗi người một ống đặt môi lên miệng
ống và chụm môi để thổi, lòng bàn tay làm động tác bịt, mở tạo nên những
âm láy rền.
|
|
KÈN BẦU |
|
Kèn Bầu còn có tên gọi khác là Già nam, Kèn loa, Kèn bóp,
Kèn bát là nhạc khí hơi dăm kép của dân tộc Việt. Kèn có 3 loại : Kèn tiểu
(giọng C hoặc D), Kèn trung (giọng G hoặc A), Kèn đại (giọng E0 hoặc F).
Cấu tạo của kèn được chia ra làm 4 phần : ống kèn, dăm, cọc dăm và loa
kèn. - ống kèn (hay còn gọi là thân kèn) là một ống rỗng lòng bằng
gỗ cứng hình trụ, đường kính trên hẹp hơn đường kính dưới. Trên ống kèn có
7 lỗ bấm phía trước, một lỗ bấm phía sau sát đầu ống. Bảy lỗ bấm phía
trước được bố trí với những khoảng cách đều nhau. - Dăm kèn : Là
loại dăm kép, làm bằng ống sậy hoặc tổ sâu, một đầu được bóp bẹp. - Cọc dăm hay còn gọi là thắng kèn là một ống kim loại để nối liền
dăm kèn với thân kèn. - Loa kèn : Hình chóp, làm bằng vỏ quả bầu
hoặc bằng gỗ tiện hay cuốn bằng đồng lá. Âm thanh kèn Bầu khoẻ,
vang, hơi chói. Khoảng cách các lỗ bấm đều nhau đã tạo ra các âm gần với
thang âm bẩy bậc chia đều. Ví dụ thang âm của Kèn tiểu: Đồ (đúng) - Rê
(non) - Mi (non) - Fa (già) -Sol (đúng) - La (non) - Si (non) - Đồ (đúng).
Kèn Bầu là nhạc cụ không thể thiếu của các dàn nhạc: Nhã nhạc, Đại
nhạc, Lễ nhạc, Huyền nhạc và đặc biệt là dàn nhạc Tuồng. Ngày nay Kèn Bầu
đã tham gia trong dàn hòa tấu nhạc dân tộc tổng hợp, hoặc được dùng như
một nhạc cụ độc tấu.
|
KÈN XARANAI |
|
Kèn Xaranai
là nhạc cụ định âm duy nhất trong các nhạc cụ
khác nhau của dân tộc Chăm. Xaranai thuộc họ hơi chi dăm kép. Loa kèn thân
tròn, hơi bầu ở giữa, loe ở đầu, dài khoảng 10 - 11 cm, làm bằng ngà voi,
sừng trâu hoặc gỗ quí (trắc, cẩm lai).Thân kèn là một ống rỗng ruột làm
bằng gỗ quí (lim xanh, mun), dài 20 - 21 cm lớn dần về phía tiếp giáp với
loa kèn. Thân kèn có 8 lỗ bấm,7 lỗ bấm trên cách đều nhau khoảng 2 cm (lỗ
số 1 kể từ loa kèn trở xuống),1 lỗ bấm dưới (nằm giữa lỗ 6 và 7, sát phần
tiếp giáp với cọc dăm). Cọc dăm dài 6 cm, làm bằng bạc hoặc đồng thau uốn
thành hình tổ sâu. Phần lớn cắm vào thân kèn, phần nhỏ dùng để gắn dăm
kèn. Dăm kèn (lưỡi gà) làm bằng lá nón hoặc lá buông.
Kèn Xaranai
có các âm: Đô - Mi - Fa - Sol - La - Si. Khi thổi kèn Xaranai người thổi
không được ngắt hơi. Để đạt được kỹ thuật này người ta ứng dụng cách luồn
hơi (dùng một phần hơi nhỏ ở khoang miệng đẩy vào dăm kèn, cùng lúc lấy
hơi đằng mũi chứa đầy phổi). Kèn Xaranai có vai trò lớn trong dàn nhạc
truyền thống của người Chăm vì âm thanh của kèn vang, khoẻ và thường đi
giai điệu khi hòa tấu.
|
KỀNH |
|
Kềnh
là loại khèn hơi đa thanh chi lưỡi gà rung tự do
của dân tộc H’mông. Kềnh gồm 6 ống trúc hoặc nứa đường kính 1 - 1,5
cm, dài 48 - 97 cm (khèn cao); 60 - 120 cm (khèn trầm). Các ống trúc ghép
thành hai hàng song song xuyên qua một bầu gỗ dài 74 cm (ống thổi), 5 ống
nhỏ mỗi ống có 1 lưỡi gà bằng đồng, 1 ống to có 2 lưỡi gà. Là nhạc cụ dành
cho nam giới dùng để độc tấu, hòa tấu và đệm cho múa, âm thanh của kềnh
vui khoẻ, nhịp nhàng rất phù hợp trong sinh hoạt vui chơi trong những ngày
hội vui, trong sinh hoạt giao duyên của thanh niên H’mông.
|
|
KHÈN
BÈ ( KÉN PÉ ) |
|
Khèn Bè
là nhạc cụ họ hơi chi lưỡi gà của dân tộc Thái
và các dân tộc thuộc khu vực Trường Sơn Việt
Nam. Khèn Bè có tên Thái là Kén Pé hoặc Pí Pe. Khèn Bè có 14 ống nứa
tép, đường kính ống khoảng 1 cm, mỗi ống có cài một lưỡi gà đồng (hay
bạc). Trên thực tế chỉ có 13 ống phát ra âm thanh, ống còn lại được xếp
theo hàng cho chiếc Khèn Bè được cân đối. Người ta ghép các ống cạnh
nhau theo hai hàng, mỗi hàng 7 ống, độ dài ngắn của mỗi cặp ống đều bằng
nhau (từ 61 - 93 cm), đây chỉ là chiều dài hình thức, chiều dài thực tế để
tạo âm được khoét một lỗ trên thân ống phía mặt trong hai ống úp vào nhau.
Ngay phía trên gần nơi đặt lưỡi gà, người ta khoét các lỗ bấm ở phía
mặt ngoài của ống khèn. Muốn có âm thanh của một ống người ra phải bịt lỗ
bấm này, tạo áp lực làm rung lưỡi gà. Bầu khèn được gọt từ loại gỗ nhẹ,
dẻo có thớ vặn để khó nứt. Phần có lưỡi gà của các ống được giấu trong bầu
khèn. Sau khi xuyên các ống qua bầu khèn, người ta lấy sáp ong đen miết
kín các kẽ hở giữa ống khèn và bầu khèn.
Khèn bè là nhạc cụ hơi đa
thanh, âm vực rộng gần 2 quãng 8. Hàng âm của Khèn Bè như sau : La1, Đô,
Rê, Fa, Sol, La, Đô1, Rê1, Fa1, Sol1.
Khèn Bè được thổi bằng cả 2
chiều: hít vào, thở ra. Kỹ thuật diễn tấu của Khèn Bè có các ngón vê, ngón
láy rền tạo hiệu quả âm thanh giòn, rè và mảnh, các kỹ thuật thổi chồng âm
dùng âm trì tục cho nhịp điệu khèn nhịp nhàng tươi vui, đầy đặn, có chiều
dày, là nhạc cụ thuận tiện cho việc diễn tấu những bản nhạc đa thanh.
Khèn Bè Thái là nhạc cụ của nam giới, dùng trong sinh hoạt vui chơi
giải trí, thường để đệm cho hát, múa trong những đêm trăng sáng. Đêm đêm
các chàng trai đến dưới nhà sàn của các cô gái thổi Khèn Bè để giãi bày
tâm sự. Cũng có khi Khèn Bè được sử dụng trong lao động như trên đường đi
làm nương rẫy. Có thể nói Khèn Bè là nhạc cụ đa âm có tính chuyên nghiệp
cao trong âm nhạc dân tộc Thái.
|
KLON - PÚT |
|
Klon-Pút là nhạc cụ họ hơi, chi hơi vỗ của người Xê Đăng. Một
trong số không nhiều nhạc khí dành cho nữ giới. Tên gọi tiếng Xê-đăng này
đã trở nên phổ thông để chỉ loại nhạc khí hơi của một số tộc trên Tây
Nguyên như Xê - đăng, Ba Na, Gia - rai, Hrê... Đàn gồm nhiều ống bằng nứa,
mỗi ống là một âm. Các ống đàn được xếp thứ tự từ thấp lên cao trên một
giá đỡ bằng tre rất thô sơ. Theo cuốn "Nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt
Nam" của giáo sư - tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh thì người Xê Đăng từ xa
xưa có một loại Klon-Pút chỉ có 5 ống nứa loại lớn. Đường kính các ống từ
5 - 8 cm, dài nhất từ 110 cm đến 120 cm. Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng
đàn làm bằng ống nứa sẽ trong và cao hơn làm bằng tre. Khi chơi đàn, các
cô gái đứng khom người. Hai bàn tay khum lại, vỗ vào nhau làm chuyển động
cột không khí trong ống và tạo ra âm thanh. Klon-Pút là nhạc cụ chỉ
dành cho nữ giới. Tại sao vậy? lý do này có liên quan đến truyền thuyết mẹ
lúa. Theo truyền thuyết thì mỗi một ống tre, hay nứa đều có linh hồn mẹ
lúa trú ngụ. Nếu như đánh Klon-Pút vào mùa tra hạt thì mẹ lúa sẽ về ở đó
và bảo trợ cho thóc gạo trong kho. Vì vậy nếu như nam giới mà vỗ đàn
Klon-Pút thì mẹ lúa sẽ sợ hãi mà đi mất. Klông pút là một
dàn gồm 2 - 3 cho tới 5 - 12 ống nứa, lồ ô hoặc tre cỡ tương đối lớn.
Đường kính các ống khoảng 5 - 8 cm, chiều dài 60 - 120 cm, có khi 20 - 200
cm. Có loại Klông pút kín một đầu và có loại rỗng hai đầu. Khi diễn tấu
các ống được đặt nằm ngang vừa tầm tay người vỗ trong tư thế đứng lom khom
hoặc quỳ. Dùng hai bàn tay khum vỗ vào nhau trước miệng ống, các cô gái
tạo nên luồng hơi lùa vào ống làm vang lên âm thanh.
|
KUPUỐT |
|
Kupuốt - một loại khèn thuộc họ hơi, chi lưỡi gà rung tự
do của dân tộc Raglai. Kupuốt gồm 6 ống nứa dài từ 38 - 78 cm, đường kính
2 cm, xếp thành 2 hàng. Hàng trên có 4 ống, 2 ống hàng dưới. Các ống này
cắm vào vỏ một quả bầu khô và mỗi ống gắn một lưỡi gà bằng đồng và một lỗ
bấm. Cuống quả bầu dùng làm vòi thổi. Kupuốt là nhạc cụ dành cho nam giới,
Kupuốt thường xuất hiện trong các sinh hoạt tín ngưỡng của dân tộc Raglai.
Nhưng đôi khi trong ngày nông nhàn ta vẫn bắt gặp hình ảnh chàng trai
Raglai thổi Kupuốt trên rẫy.
|
KYPAH |
|
Kypah
là tên người Êđê gọi một nhạc cụ họ hơi,
chi lưỡi gà rung tự do. Kypah được dùng phổ biến ở một số dân tộc Tây
Nguyên với những tên gọi khác như: dân tộc Giarai gọi là Tơ Jiếp, dân tộc
Tà ôi gọi Kadoocadol v,v... Người ta làm Kypah bằng sừng linh dương cắt lấy một đoạn dài 26 - 34 cm, hai đầu thông
nhau. ở phía đầu nhỏ được khoét một lỗ hình chữ nhật dài 3 cm, rộng 1 cm,
sau đó dùng sáp ong đắp quanh miệng lỗ cao lên 3 cm và gắn lên đó một
chiếc dăm bằng nứa để làm miệng thổi. Khi sử dụng, hai tay người chơi
đỡ Kypah, miệng ngậm kín toàn bộ phần miệng thổi rồi lùa vào ống kèn một
luồng hơi mạnh hoặc nhẹ để tạo ra âm thanh. Để tạo ra các âm thanh khác
nhau người ta dùng ngón tay cái của bàn tay phải bịt, mở đầu nhỏ tạo ra
những âm thanh khác nhau, lòng bàn tay Trái vỗ nhẹ vào đầu to tạo cho
tiếng kèn có những âm láy (điều này còn phụ thuộc vào người chơi thuận tay
phải hoặc tay trái). Kypah có 3 âm: Đô1 - Rê1 - Mi1. Âm thanh của Kypah
nghe vang xa, thôi thúc, giục giã. Kypah là nhạc cụ do nam giới sử
dụng trong săn bắn và thông báo tin tức cho dân làng mỗi khi có công việc
trọng đại.
|
|
|
Tham khảo nguồn:
Viện Âm nhạc Việt Nam
http://www.vnmusicology-inst.vnn.vn
và
www.giaidieu.net
.
http://vinhphucms.net.tf |
|
| |
Trở về đầu trang
|