Các vùng Văn hóa

HỌ HƠI

(Aerophone)

M'BUỐT

M'buốt là nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do của dân tộc H'mông. Được làm từ 1 quả bầu khô và 6 ống tre xếp thành 2 hàng được cắm vào trong quả bầu. Hàng trên có 4 ống, hàng dưới 2 ống. Các ống có chiều dài từ 38,5 cm - 70 cm, đường kính 2 cm. Hàng trên có 3 lỗ bấm phía dưới và 1 lỗ bấm phía trên. Hàng dưới một ống có 1 lỗ bấm trên, ống còn lại có lỗ bấm dưới. M'buốt có 1 lam bằng đồng nằm ở phần nứa trong lòng quả bầu.
Được xếp vào nhạc cụ đa thanh, âm vực hơn 1 quãng 8. Âm sắc M'buốt nghe đục, trầm, rè hơi mờ ảo. Khi diễn tấu người chơi là nam giới đứng thổi. Miệng ngậm vào núm quả bầu để thổi, tay trái bấm vào hàng ống dưới, còn tay phải dùng 4 ngón tay giữ hàng ống trên và kết hợp với ngón cái để bấm.
M'buốt có thể chơi một mình hay hòa tấu cùng các nhạc cụ khác, M'buốt thường được chơi trong đám hỏi, trong lúc tỏ tình hay thậm chí là trên nương rẫy hoặc đi đường
 

PÍ ĐÔI

Pí Đôi là nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà. Đây là nhạc cụ khá phổ biến ở đồng bào dân tộc Thái, đặc biệt là Thái Tây Bắc.
Pí Đôi làm bằng 2 ống nứa tép được buộc ghép song song, đường kính 1 cm, cùng chiều dài 30 - 35 cm, mỗi đầu ống đều có mấu kín. Ngay sát chỗ mấu ở mỗi ống người ta khoét một lỗ hình chữ nhật kích thước 0,4 cm x 1,5 cm để đặt lưỡi gà đồng (lưỡi gà hình tam giác cân được cắt rời hai cạnh bên để dính lại phần đồng ở cạnh đáy). Trên thân của một ống người ta khoét 6 lỗ bấm, lỗ bấm trên cùng nằm ở mặt sau thân ống cách lưỡi gà 7 cm, 5 lỗ tiếp theo nằm thẳng hàng với lưỡi gà. Chỗ 2 thành ống giáp nhau cách lỗ thổi 13 cm, người ta khoét 2 lỗ thông nhau, khi thổi lỗ này sẽ cho 1 âm nền trì tục.
Trật tự hàng âm của Pí Đôi như sau:
Do1, Sol1, La1, Do2, Rê2, Mi2, Fa2.
Khi chơi Pí Đôi người ta đặt dọc thân Pí, miệng ngậm kín đầu ống có gắn lưỡi gà rồi thổi. Pí Đôi có các kỹ thuật rung, luyến, láy, nhấn hơi, nén hơi. Âm thanh của Pí Đôi vang, trong, có pha chất bồi âm nghe trữ tình nhưng sôi nổi, lại có chất rè giòn của bè nền trì tục.
Pí Đôi là nhạc cụ dùng trong sinh hoạt giao duyên do nam giới sử dụng đệm cho nữ giới hát. Cũng có khi Pí Đôi dùng để độc tấu bằng cách thổi lại giai điệu phần hát đó, nhưng giai điệu đã có những thay đổi nhất định.
Pí Đôi là nhạc cụ hơi được các chàng trai Thái ưa thích, có lẽ bởi Pí Đôi còn là tiếng nói giao duyên, là nhịp cầu nối quan hệ giữa các chàng trai với các cô gái.

PÍ LAO LUÔNG

Pí Lao Luông là tên gọi một nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do, phổ biến ở người Thái tỉnh Sơn La.
Pí Lao Luông được làm bằng một ống nứa có chiều dài khoảng 78 - 80 cm, đường kính 1,5 cm, một đầu có mấu kín. Ngay sát mấu người ta khoét một lỗ hình chữ nhật có kích thước 0,7 cm x 2 cm để đặt lưỡi gà đồng (lưỡi gà hình tam giác cân được cắt rời hai cạnh bên để dính lại phần đồng ở cạnh đáy). Trên thân ống có 7 lỗ bấm. Lỗ bấm thứ nhất ở mặt sau thân ống cách chỗ thổi là 24 cm, lỗ thứ 2 ở mặt trước cách lỗ bấm thứ nhất 3 cm, 5 lỗ còn lại nằm thẳng hàng với lỗ thứ 2 và cách đều nhau (3 cm), riêng lỗ 4 và 5 cách nhau 6 cm. ở quãng giữa lưỡi gà và lỗ bấm thứ 2 người ta khoét thêm một lỗ, dùng sáp ong đen đắp thành gò quanh miệng lỗ rồi lấy màng mỏng ruột nứa hay vỏ trứng nhện phủ lên. Khi thổi màng này rung tự do làm cho âm thanh rè.
Pí Lao Luông có hàng âm như sau:
La, Do1, Re1, Mi1, Fa1, Sol1, La1, Si1, Do2.
Người ta thổi Pí Lao Luông bằng cách đặt pí sang phải hơi chéo xuống, miệng ngậm hết phần lưỡi gà rồi thổi truyền hơi ra liên tục làm sao cho tiếng pí không ngắt khi thổi.
Là nhạc cụ dùng trong sinh hoạt giao duyên do nam giới sử dụng. Pí Lao Luông đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt thường ngày của các chàng trai Thái.

PÍ LÁO NỌI

Pí Láo Nọi là tên gọi một nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do, phổ biến ở dân tộc Thái, vùng Tây Bắc.
Pí Láo Nọi làm bằng một đoạn nứa có chiều dài 35 - 40 cm, đường kính 0,6 cm, một đầu có mấu kín. Ngay sát mấu người ta tách từ thân ống 1 mảnh hình chữ nhật có kích thước 2,6 cm x 0,4 cm, một cạnh nhỏ vẫn dính vào thân ống (mảnh tách này chính là lưỡi gà). Pí Láo Nọi có 7 lỗ bấm, 1 lỗ trên cùng nằm ở mặt sau thân ống, còn 6 lỗ tiếp theo nằm thẳng hàng với lưỡi gà.
Hàng âm của Pí Láo Nọi như sau:
Sol, Do1, Rê1, Mi1, Sol1, La1, Si1, Do2.
Người ta thổi Pí Láo Nọi bằng cách ngậm kín phần lưỡi gà rồi thổi hơi ra, kết hợp bịt, mở các lỗ bấm.
Âm sắc của Pí Láo Nọi giòn, rè, tiếng vang, trong, trữ tình phù hợp với những bản nhạc có tình cảm sâu lắng êm dịu.
Là nhạc cụ độc tấu, đệm cho hát do nam giới sử dụng, Pí Láo Nọi đóng một vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt giao duyên của các chàng trai Thái.

PÍ LÈ

Pí Lè là nhạc cụ thuộc họ hơi, chi dăm kép, của dân tộc Thái ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Pí Lè có 4 bộ phận : Thân kèn, loa kèn, cọc dăm và dăm. Thân kèn là một ống rỗng hình trụ dài khoảng 30 cm, làm bằng gỗ cứng, trên thân ống có khoét 8 lỗ bấm hình tròn, 7 lỗ phía trước được bố trí với những khoảng cách gần như đều nhau tạo thành một hàng dọc, lỗ thứ 8 ở phía sau ngay gần cọc dăm. Loa kèn làm bằng gỗ đẽo mỏng hình chóp cụt, đầu nhỏ của loa nối liền với ống kèn. Phần đầu nhỏ của ống kèn, người ta gắn một cọc cắm dăm. Dăm làm bằng ống sậy, hoặc làm bằng tổ sâu cắm vào cọc dăm.
Âm vực của Pí Lè rộng 2 quãng 8 là các âm Đồ (đúng) - Rê (non) - Mi (non) - Fa (già) -Sol (đúng) - La ( non) - Si (non) - Đố (đúng).
Người ta thổi Pí Lè bằng cách ngậm gần hết phần dăm, rồi lấy hơi đằng mũi, đẩy hơi ra miệng tác động vào dăm kèn. Bằng cách luồn hơi liên tục như vậy, các nghệ nhân có thể thổi hàng giờ, không cần ngắt hơi. Khi diễn tấu tùy từng bài mà người ta áp dụng các kỹ thuật rung hơi, đánh lưỡi, vuốt hơi. Các ngón bấm như ngón láy, ngón vuốt, ngón rung vỗ.
Pí Lè là nhạc cụ dùng trong dàn nhạc nghi lễ phong tục của đồng bào Thái, do nam giới sử dụng. Đặc biệt Pí Lè được dùng nhiều nhất trong nhạc tang lễ. Hòa tấu với Pí Lè còn có chũm choẹ , thanh la to, thanh la nhỏ và trống. Tiếng Pí Lè không thể thiếu được trong các nghi lễ phong tục mang tính chất trang nghiêm và thiêng liêng của người Thái.

 

PÍ ME

Pí Me hoặc Pí Lự là tên gọi một nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà của dân tộc Lự ở Lai Châu - Sơn La thuộc vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Pí Me được làm từ một ống nứa, hoặc trúc có chiều dài khoảng 50 - 70 cm, đường kính 1,5 cm, một đầu có mấu kín. Ngay chỗ mấu người ta trổ thủng 1 lỗ hình chữ nhật có kích thước 1cm x 2,5 cm để đặt lưỡi gà đồng (lưỡi gà hình tam giác cân được cắt rời hai cạnh bên để dính lại phần đồng ở cạnh đáy). Trên thân ống có khoét 7 lỗ bấm, lỗ thứ nhất ở mặt sau thân ống cách lưỡi gà 29 cm, lỗ thứ 2 ở mặt trước cách lỗ thứ nhất 2 cm, 5 lỗ còn lại nằm thẳng hàng với lỗ thứ 2 và cách đều nhau (3 cm), riêng lỗ 4 và 5 cách nhau 6 cm.
Pí Me (Pí Lự) có hàng âm như sau:
Do1, Re1, Mi1, Fa1, Sol1, La1, Si1
Người ta thổi Pí Me bằng cách đặt dọc thân Pí xuống, miệng ngậm kín phần ống có gắn lưỡi gà ngập trong miệng, rồi thổi truyền hơi ra liên tục làm sao cho tiếng Pí không ngắt khi thổi.
Âm thanh của Pí Me giòn, rè có pha chất bồi âm, tiếng trong trữ tình phù hợp với các bài có tình cảm sâu lắng, êm dịu.
Pí Me là nhạc cụ dùng để độc tấu, hòa tấu, do nam giới sử dụng trong sinh hoạt giao duyên. Ngoài việc diễn tấu Pí Me còn là phương tiện để các chàng trai nói thay lời mình với các cô gái.

 

PÍ PẶP

Pí Pặp là nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà. Đây là nhạc cụ rất phổ biến ở đồng bào dân tộc Thái, đặc biệt là Thái Tây Bắc.
Thân Pí Pặp là một ống nứa tép dài khoảng 30 - 35 cm, một đầu có mấu kín. Đường kính ống chừng 0,8 cm. Ngay xát mấu người ta khoét một lỗ hình chữ nhật kích thước 0,4 cm x 1,5 cm để đặt lưỡi gà đồng (lưỡi gà hình tam giác cân được cắt rời hai cạnh bên để dính lại phần đồng ở cạnh đáy). Trên thân ống có khoét 6 lỗ bấm, lỗ bấm trên cùng nằm ở mặt sau thân ống còn 5 lỗ tiếp theo nằm thẳng hàng với lưỡi gà. Mặc dù Pí Pặp có 6 lỗ bấm nhưng người ta chỉ bấm 5 lỗ. Mở dần các ngón ở 5 lỗ bấm ta sẽ có các âm : Si, Rê1, Fa1, Sol1, La1. Lỗ cuối cùng không bấm là lỗ thoát âm.

Khi thổi Pí Pặp, Thân Pí đặt ngang sang phải hơi chếch xuống, miệng ngậm kín phần ống có gắn lưỡi gà. Người thổi Pí Pặp thường thổi hơi luồn liên tục. Pí Pặp cũng có các kỹ thuật : Rung, luyến, láy, đánh lưỡi, nhấn hơi, vuốt hơi, nén hơi.
Âm thanh của Pí Pặp ấm nhưng rè, có pha chất âm bồi, tiếng trong, trữ tình giống như giọng hát của các cô gái.
Pí Pặp là nhạc cụ dùng trong sinh hoạt giao duyên. Nam giới sử dụng Pí đệm cho nữ giới hát. Cách đệm tòng rất giản đơn: những khi người hát ngưng nghỉ, người đệm Pí Pặp lấy giai điệu hát làm gian tấu. Tuy nhiên giai điệu này đã được người chơi ngẫu hứng biến tấu đi nhiều so với giai điệu hát. Chàng trai nào biến tấu càng giỏi thì sức hấp dẫn với bạn hát càng cao. Chính vì vậy mà Pí Pặp rất được trai gái dân tộc Thái yêu thích

 

PÍ SÊN

Pí Sên là nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do của dân tộc Thái - tỉnh Sơn La. Pí Sên được làm từ 1 ống nứa có chiều dài 71 cm, đường kính khoảng 1,5 - 2 cm, một đầu có mấu kín. Ngay sát mấu có một lỗ hình chữ nhật kích thước 1 cm x 2 cm là nơi đặt lưỡi gà đồng. Lưỡi gà hình tam giác cân được cắt rời 2 cạnh bên để dính lại phần đồng ở cạnh đáy. Trên thân ống có 7 lỗ bấm. Lỗ bấm thứ nhất ở mặt sau thân ống cách chỗ thổi là 27cm, lỗ thứ 2 ở mặt trước cách lỗ thứ nhất 3cm, 5 lỗ còn lại nằm thẳng hàng với lỗ thứ hai và cách đều nhau (3cm), riêng lỗ 4 và 5 cách nhau 6 cm. ở quãng giữa lưỡi gà và lỗ bấm thứ hai người ta khoét thêm một lỗ rồi lấy màng mỏng của ruột nứa hay vỏ trứng nhện phủ lên, khi thổi màng này rung lên tạo âm sắc rè.
Pí Sên có hàng âm như sau : Sol, Si, Rêb1, Mi1, Fa1, Sol1, La1, Si1. Khi thổi Pí Sên, người thổi đặt Pí sang phải hơi chéo xuống, miệng ngậm hết phần lưỡi gà rồi thổi truyền hơi ra liên tục làm sao cho tiếng Pí không ngắt khi thổi.
Pí Sên có các ngón kỹ thuật : Rung hơi, luyến hơi và láy rền.
Âm thanh của Pí Sên trầm đục và rè, có mầu sắc huyền bí.
Thuở xưa Pí Sên là nhạc cụ của các thầy mo chỉ dùng đệm cho hát khi hành lễ. Ngày nay người Thái đã dùng Pí Sên như một nhạc cụ trong sinh hoạt đời thường.

 

PÍ TAM LAY

Pí Tam Lay là nhạc cụ dành riêng cho trẻ em chăn trâu và cho nam giới sử dụng khi canh lúa ở ngoài ruộng, nương của dân tộc Thái.
Pí Tam Lay là nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà có cấu tạo là 3 ống nứa tép nối lồng vào nhau, tổng chiều dài chừng 70 - 80 cm, đường kính từ 0,8 - 1 cm. ống trên cùng nhỏ nhất và có mấu kín, ngay sát mấu người ta tách từ thân ống một mảnh hình chữ nhật có kích thước 1,5 x 0,5 cm, một cạnh nhỏ vẫn dính vào thân ống, mảnh tách này chính là lưỡi gà. Pí Tam Lay có 3 lỗ bấm, lỗ bấm thứ nhất cách đáy lưỡi gà một "đơn vị đo" là hai ngón tay, lỗ bấm thứ 2, 3 gần nhau trên thân ống cuối cùng.
Mầu âm của Pí Tam Lay trầm ấm có tiếng rè độc đáo. Khi chơi người ta kết hợp úp mở phía không có mấu của ống tre vào bắp chân tạo hiệu quả láy rền, tiếng vang xa, âm sắc đục nhòe.
Là nhạc cụ độc đáo mà trẻ em và thanh niên Thái ưa thích, được dùng trong sinh hoạt vui chơi giải trí. Pí Tam Lay là nhạc cụ kiêng không dùng trong làng, bản. Có một số nơi mê tín cho rằng thổi Pí Tam Lay tức là cầu mưa cho nên thời gian nào ruộng nương đủ nước hoặc sắp gặt hái thì kiêng không được thổi.

PÍ THIU

Pí Thiu hoặc Pí Khúi là tên gọi một nhạc cụ hơi thổi rất được thanh niên dân tộc Thái ưa thích. Vào những đêm trăng sáng tiếng Pí Thiu của các chàng trai cất lên nhè nhẹ thường làm mềm lòng các thiếu nữ tuổi trăng tròn.
Pí Thiu được làm bằng một loại nứa nhỏ. Thân Pí là một dóng nứa có chiều dài 71 - 75 cm, đường kính khoảng 1,5 cm, một đầu có mấu kín, còn một đầu không mấu. ở mép mấu có một lỗ hình bán nguyệt đó là lỗ thổi vòm. Pí Thiu có 4 lỗ bấm nằm thẳng hàng với lỗ thổi vòm, lỗ bấm thứ nhất cách lỗ thổi vòm 34 cm, các lỗ bấm còn lại cách đều nhau (6 cm).
Pí Thiu là loại nhạc cụ họ hơi chi lỗ vòm (sáo thổi dọc). Khi thổi Pí Thiu, người ta tì cằm lên đầu ống, chúm môi tạo luồng hơi thổi chéo vào lỗ vòm, làm chuyển động cột không khí trong ống. Theo một nguyên tắc đóng mở ống và kết hợp với lực độ của hơi thổi, Pí Thiu sẽ cho ta một thang âm La1, Đô2, Rê2, Fa2, Sol2. Pí thiu có các kỹ thuật thổi : Rung, luyến hơi, kỹ thuật bấm, ngón vuốt, ngón láy... Âm sắc của Pí Thiu ấm áp, du dương, trữ tình, đẹp, phù hợp với các bài có tình cảm sâu lắng, êm dịu. Tiếng Pí Thiu nghe gần tưởng như nhỏ, nhưng thực ra vang xa.
Pí Thiu là nhạc cụ đã có khá lâu trong đời sống dân tộc Thái. Cho đến nay nó vẫn tồn tại bởi nó là nhạc cụ hấp dẫn trong sinh hoạt giao duyên của trai gái dân tộc Thái.

PÍ TÓT

Pí Tót là loại sáo thổi bằng mũi của dân tộc Khơ mú tỉnh Sơn La và Lai Châu. Sáo được xếp vào nhạc cụ họ hơi, chi lỗ vòm.
Pí tót được làm bằng một loại nứa nhỏ. Thân Pí tót là một dóng nứa một đầu hở một đầu kín có chiều dài 35 - 40 cm, đường kính khoảng 1 cm. Phía gần đầu hở có khoét một lỗ nhỏ hình vuông để làm lỗ thổi. Một lỗ bấm duy nhất được khoét tròn ở gần đầu kín.
Pí tót là loại sáo thổi ngang, khi thổi Pí tót người thổi tì mũi lên lỗ thổi vòm, rồi lấy hơi đằng miệng, đẩy hơi ra đằng mũi tạo luồng hơi chéo vào lỗ vòm làm chuyển động cột không khí trong ống. Mặc dù chỉ có một lỗ bấm nhưng Pí tót vẫn có được một thang âm 5 âm: Rê, Fa, Sol, La, Đô.
Pí tót có các ngón kỹ thuật thổi vuốt hơi, nhấn hơi, kỹ thuật bấm, ngón vuốt, ngón láy. Âm sắc của Pí tót ấm áp, du dương, trữ tình phù hợp với các bài có tình cảm sâu lắng, êm dịu.
Pí tót là nhạc cụ của nữ giới sử dụng trong sinh hoạt thường ngày để ru trẻ nhỏ ngủ và dùng trong sinh hoạt giao duyên.

 

PÚA

Púa là nhạc cụ họ hơi, chi hơi môi của dân tộc H'mông-một dân tộc sống ở miền núi phía Bắc Việt Nam.
Púa làm bằng hai đoạn ống được cuốn bằng lá đồng mỏng một ống to, một ống nhỏ. Đoạn ống nhỏ dài 72 cm, đường kính 3 cm, một đầu có gắn một miếng đồng tròn làm búp để tì môi khi thổi, đầu kia lồng khít vào trong đầu nhỏ của đoạn ống to. Đoạn ống to thân ống hình trụ tròn dài 61 cm. Đầu to còn lại nối liền với 1 cái loa có chiều dài 7 cm, đường kính miệng loa 16, 5 cm.
Khi thổi Púa, người thổi phải ở tư thế đứng, 2 tay đỡ thân Púa. Đặt hai môi trực tiếp vào miệng thổi, thổi luồng hơi làm chấn động cột không khí, tạo nên âm thanh. Âm thanh của Púa to, khoẻ, vang xa, có chất rè của kèn đồng.
Púa là nhạc cụ do nam giới sử dụng, thường thổi riêng để thông tin hoặc hòa tấu với trống, thanh la, chũm chọe, xi - u trong những nghi lễ của đám tang khi cúng linh hồn, lễ dâng rượu hay khi mổ bò, dê làm vật dâng hiến.

 

SÁO DIỀU

Là nhạc cụ họ hơi, chi hơi lùa của dân tộc Việt. Thân sáo được làm bằng một đoạn tre hoặc bương dài 30 - 55 cm, đường kính 5 - 11 cm. ở giữa thân sáo người ta khoét 4 lỗ hình chữ nhật để buộc vào thân diều, hai đầu đều có một lỗ thổi hình chữ nhật để đón gió lùa vào. Gió càng mạnh thì diều càng lên cao, tiếng sáo càng vang xa.
Sáo diều thường ngân vang trên xóm làng quê hương trên cánh đồng bát ngát vào những chiều hè gió mát, những đêm trăng sáng, hoặc dùng trong sinh hoạt vui chơi giải trí.

SÁO TRÚC

Sáo trúc là tên gọi một nhạc cụ họ hơi, chi hơi vòm của dân tộc Việt. Đặc biệt rất được phổ biến ở vùng nông thôn Việt Nam.
Sáo được làm bằng một đoạn ống trúc, hoặc nứa có chiều dài 40 - 55 cm, đường kính 1,5 - 2 cm. ở phía đầu ống có một lỗ hình bầu dục đó là lỗ thổi. Trong lòng ngay gần lỗ thổi được chặn bằng một mẩu nút bấc hoặc gỗ mềm để điều chỉnh độ cao thấp khi cần thết. Thẳng hàng với lỗ thổi có khoét 6 lỗ bấm, lỗ bấm thứ nhất cách lỗ thổi 12 cm, các lỗ bấm còn lại cách đều nhau (1 cm). Mở dần các ngón ở 6 lỗ bấm ta sẽ có các âm Do1, Rê1, Mi1, Fa1, Sol1, La1, Si1, Do2. Phía sau cuối ống sáo có một lỗ không bấm là lỗ định âm.
Khi thổi sáo, thân sáo đặt ngang sang bên phải, miệng đặt lên lỗ thổi. Người thổi sáo có thể điều chỉnh luồng hơi (rót hơi yếu đường hơi đi từ từ và yếu, rót hơi mạnh đường hơi đi nhanh và mạnh). Sáo thường được sử dụng để độc tấu, hòa tấu trong các dàn nhạc chèo, hát văn, tiểu nhạc.
Khoảng cuối thập kỷ 70 nghệ sĩ Đinh Thìn và Ngô Nam đã cải tiến cây sáo 6 lỗ thành sáo 10 lỗ để mở rộng âm vực, cho các nghệ sỹ chơi những tác phẩm tương đối dễ dàng hơn như "Tiếng gọi mùa xuân" của Đinh Thìn, "Tình quê" của Hoàng Đạm, "Tiếng sáo bản Mèo" của Ngọc Phan v,v...

 

TÂNG COI

Tâng coi là tên gọi một nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do của dân tộc Tà ôi. Một số dân tộc khác cũng sử dụng nhạc cụ này nhưng với tên gọi khác như dân tộc Bahnar gọi là T nuốt, dân tộc Việt gọi là Tù và sừng trâu.
Tâng coi có cấu tạo đơn giản, được làm từ một chiếc sừng trâu dài khoảng 44 cm, không có lỗ bấm. ở phía đầu nhỏ của sừng trâu được khoét một lỗ hình chữ nhật kích thước 3 cm x 2 cm để làm miệng thổi và để đặt lưỡi gà. Lưỡi gà là một hình tam giác cân bằng đồng, được cắt rời hai cạnh bên nhưng để dính lại cạnh đáy.
Khi sử dụng người chơii hai tay đỡ Tâng coi, nâng ngang trước mặt, miệng ngậm vào toàn bộ phần miệng thổi và thổi vào 1 luồng hơi hoặc hút hơi làm rung lưỡi gà tạo ra âm thanh. Vì không có lỗ bấm nên Tâng coi chỉ có 1 âm thanh duy nhất. Âm thanh của Tâng coi nghe trầm, to, vang xa.
Tâng coi là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng trong lễ hội đâm trâu, trong tang lễ hay lúc có báo động. Đặc biệt Tâng coi không được dùng trong nhà, chỉ khi gia đình có đám tang thì được mang ra rúc liền ba hồi để báo cho dân làng biết nhà vừa có người tắt thở.

 

 

TIÊU

Tiêu là loại sáo thổi dọc trung âm của dân tộc Việt. Tiêu được làm bằng thân ống nứa. Một đầu có mấu, đường kính 2 cm, dài 45 cm. Bên gờ miệng ống người ta khoét một lỗ hình bán nguyệt để thổi, thẳng hàng với lỗ thổi có 4 lỗ hình tròn, còn hai lỗ khoét ở mặt sau do ngón tay cái phụ trách. Sở dĩ phải khoét 2 lỗ bấm ở phía sau vì ống tiêu dài, đường kính rộng, muốn đạt được các âm theo yêu cầu, các lỗ bấm phải khoét cách xa nhau, nếu 6 lỗ đều khoét trên một hàng thẳng, các ngón tay không đủ sức gang ra để bấm. Khi thổi người ta cầm dọc ống tiêu và tỳ cằm vào gần lỗ thổi để tạo ra âm thanh. Âm thanh của Tiêu nghe trầm, ấm.
Tiêu tham gia trong dàn nhạc tài tử, ban nhạc tang lễ, phường bát âm, dàn nhạc sân khấu chèo, tuồng. Ngày nay, Tiêu đã được đưa vào dàn nhạc dân tộc tổng hợp hòa tấu.

XI - U

Xi-u là nhạc cụ họ hơi, chi dăm kép của dân tộc H'mông, một dân tộc sống ở vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Xi-u gồm 4 bộ phận: Thân kèn, loa kèn, cọc dăm và dăm. Thân kèn là một ống rỗng hình trụ làm bằng gỗ cứng dài khoảng 25 cm. Trên thân ống có khoét 8 lỗ bấm hình tròn, một lỗ phía sau ngay gần cọc dăm, 7 lỗ phía trước được bố trí với khoảng cách gần như đều nhau tạo thành một hàng dọc. Loa kèn bằng đồng mỏng hình chóp. Cọc dăm cuốn bằng kim loại. Dăm làm bằng lông ngỗng.
Khi thổi Xi-u phải ngậm gần hết phần dăm, rồi lấy hơi đằng mũi, đẩy hơi ra đằng miệng tác động vào dăm kèn. Bằng cách luồn hơi liên tục như vậy các nghệ nhân có thể thổi hàng giờ mà không cần ngắt hơi.
Âm vực của Xi-u rộng 2 quãng 8 là các âm: Đồ (đúng) - Rê (non) - Mi (non) - Fa ( già) - Sol (đúng) -La (non) - Si (non) - Đô (đúng).
Xi-u có các ngón kỹ thuật thổi như ngón láy, ngón vuốt, ngón rung vỗ, khi diễn tấu tuỳ theo tính chất từng bài mà người ta áp dụng các kỹ thuật trên.
Xi-u là nhạc cụ do nam giới sử dụng để hoà tấu với các nhạc cụ khác trong các nghi lễ phong tục của đồng bào dân tộc H'mông.

Tự thân vang

Màng rung

Dây

   
 

Tham khảo nguồn:

Viện Âm nhạc Việt Nam http://www.vnmusicology-inst.vnn.vn

www.giaidieu.net.

http://www.facebook.com/cotruyen.nhac

                                                                    Trở về đầu trang

 

 

© Âm nhạc cổ truyền Việt Nam

 - Email: vinphuc@gmail.com - Design by vinhphucnet

 

Free Web Hosting